Chưa lúc nào như thời điểm hiện nay, ngành y tế TPHCM có tới cả chục dự án lớn - nhỏ, trong đó tập trung nhiều vào lĩnh vực xây dựng cơ bản. Có những dự án đã “mọc rễ” từ chục năm nay nhưng vẫn chưa hẹn được ngày khởi công.
- Dự án trọng điểm... trên giấy
|
Một trong những dự án được “ngâm” lâu nhất và hiện nay vẫn chưa ra hình hài là dự án Viện trường y tế tại xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi. Cách nay chừng 1 năm, Sở Y tế TPHCM đã ghi nhận sự quan tâm của một số nhà đầu tư song vẫn chưa có thông tin chính thức công bố số phận dự án sẽ đi về đâu.
Đây là dự án được TP cho chủ trương từ những năm 2001-2002 và phê duyệt từ năm 2007 với diện tích gần 100ha nhằm mục tiêu xây dựng một mô hình mới của ngành y tế TPHCM, trên cơ sở gắn kết giữa đào tạo với khám chữa bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Theo dự án, trong giai đoạn 1 đến năm 2010, sẽ xây dựng một bệnh viện đa khoa 1.000 giường và trung tâm đào tạo phẫu thuật nội soi; giai đoạn 2 (2010 - 2015), xây dựng thêm các bệnh viện chuyên khoa với 2.000 giường bệnh. Tuy nhiên, đến nay khu quy hoạch dự án nói trên vẫn cỏ mọc um tùm dù Sở Y tế TPHCM đã kiến nghị lên UBND TPHCM xem đây như dự án trọng điểm của ngành y tế.
Được nhắc đến nhiều trong 3 năm qua là dự án xây dựng 5 bệnh viện (BV) cửa ngõ TP với mục tiêu tăng thêm 4.500 giường bệnh có chất lượng kỹ thuật cao. Đó là BV Đa khoa khu vực Thủ Đức với quy mô 1.000 giường, BV Đa khoa khu vực Củ Chi với quy mô 1.000 giường, BV Hóc Môn với quy mô 1.000 giường; BV Bình Chánh với quy mô 1.000 giường; BV Quận 7 với quy mô 500 giường. Cách nay 2 năm, Sở Y tế TPHCM cho rằng, sẽ hoàn thành giai đoạn 1 của dự án này vào năm 2010. Thế nhưng, năm 2010 sắp hết mà dự án vẫn đang trên đà… khởi động.
Được biết, tổng kinh phí đầu tư dự kiến cho 5 BV được đưa ra vào năm 2008 là khoảng 2.000-3.000 tỷ đồng nhưng chắc rằng với sự chậm chạp như hiện nay, sự trượt giá sẽ còn tăng thêm nhiều… Cùng với đó là hàng loạt dự án khác như BV Nhi đồng TP tại xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh), dự án BV Ung bướu (cơ sở 2) ở quận 9, dự án BV Tâm Thần TP, dự án di dời BV Đa khoa Sài Gòn, dự án Viện trường của Đại học Y Dược (100ha) tại Khu đô thị Tây Bắc … vẫn chưa có lối ra khả quan.
- Kiếm đâu ra đất “sạch”?
Từ năm 2008, Bộ Y tế và lãnh đạo UBND TPHCM đã có buổi làm việc và Chủ tịch UBND TP thống nhất giao Sở Y tế TPHCM phối hợp cùng các đơn vị liên quan để xây dựng và hoàn chỉnh Quy hoạch phát triển và Quy hoạch mạng lưới y tế của TP. Trong đó, tập trung xây mới, di dời BV về các vùng ngoại thành, cửa ngõ nhằm giảm tải cho mật độ giao thông của trung tâm TP cũng như giảm tải cho các bệnh viện hiện hữu. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là… kiếm đâu ra đất “sạch”. Điển hình như BV Ung bướu xúc tiến xây dựng cơ sở 2 ở quận 9 từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm việc bồi thường giải phóng mặt bằng.
Mặc dù đã họp lên họp xuống với Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, rồi Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở ngành liên quan khác tìm cách tháo gỡ để sớm giao mặt bằng, khởi công xây dựng nhưng theo BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu, BV đang nỗ lực thành lập Ban Quản lý dự án, thi tuyển tư vấn thiết kế và đặc biệt phải đẩy mạnh giải phóng mặt bằng. Được giao gần 5,5ha đất để xây BV ung bướu hiện đại 1.000 giường bệnh ở quận 9, BS Lê Hoàng Minh mong muốn dự án sớm được UBND TP, Sở Y tế ưu tiên xây dựng để giảm tải cho BV hiện nay đang quá tải trầm trọng.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, BV Chấn thương chỉnh hình đã được UBND TP cho chủ trương phối hợp với Công ty cổ phần Đền bù giải tỏa (Tập đoàn Đức Khải) để hoán đổi bằng cách phá bỏ BV cũ kỹ quá tải hiện nay tại đường Trần Hưng Đạo, quận 5 và chuyển về BV mới ở khu Nam, huyện Bình Chánh nhưng đến nay vẫn còn không ít vướng mắc.
Theo BS Trần Thanh Mỹ, giám đốc BV, nhà đầu tư vẫn chưa thể khởi công xây dựng BV mới mặc dù đã từng có thông tin động thổ vào đầu tháng 9-2010. Lý do vẫn là chưa giải phóng xong mặt bằng.
Ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đức Khải, cũng cho biết đang phối hợp với UBND huyện Bình Chánh tiến hành thành lập Ban Đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn nữa, để xúc tiến dự án, ông Lâm đã có văn bản đề nghị UBND TP cho nhà đầu tư tạm ứng tiền tư vấn thiết kế dự án, chi phí hết bao nhiêu sau khi kiểm toán thì ngân sách nhà nước bù lại. Thế nhưng, bao giờ khởi động được dự án thì vẫn chưa ai rõ!
Bên cạnh “đất sạch” không có thì năng lực tài chính cũng đang khiến các nhà đầu tư đau đầu. Hiện ngoài một phần tiền ngân sách, các BV công muốn nâng cấp, cải tạo, xây mới, mua sắm thiết bị đều phải vay vốn kích cầu ưu đãi. Tuy rằng, vốn vay không trả lãi nhưng nhiều BV công hiện vẫn rất dè chừng vì để đáp ứng yêu cầu đầu tư y tế kỹ thuật cao đòi hỏi chi phí lớn, khả năng hồi vốn lại rất lâu, trong khi các cơ chế về thu viện phí, thu phí khám chữa bệnh vẫn bị khống chế. Điều đáng quan ngại nữa là nguồn nhân lực y tế hiện đang thiếu thốn nghiêm trọng. Hiện nay, TP đang thiếu khoảng 2.000 bác sĩ và nhân viên y tế. “Do đó, nếu có xây dựng, nâng cấp BV mà không có y bác sĩ thì BV cũng thành nhà hoang”, một lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết
TƯỜNG LÂM