Ngày 15-5, trang thiết bị sử dụng năng lượng phải dán nhãn năng lượng

Kể từ ngày 15-5, các phương tiện, thiết bị thuộc danh mục phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng trước khi đưa ra thị trường phải được dán nhãn năng lượng theo Nghị định 21 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cuộc sống.

Nhãn năng lượng sẽ gồm 2 loại là nhãn so sánh và nhãn xác nhận. Nhãn so sánh sẽ do đơn vị sản xuất tự dán nhằm cung cấp thông tin về mức tiêu thụ năng lượng, loại năng lượng sử dụng, hiệu suất năng lượng và các thông tin khác giúp người tiêu dùng so sánh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường để nhận biết và lựa chọn phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng. Riêng nhãn xác nhận là nhãn do các cơ quan chức năng chứng nhận phương tiện, thiết bị có hiệu suất năng lượng cao nhất so với phương tiện, thiết bị khác cùng loại.

Ngoài ra, cũng bắt đầu từ thời gian này, hàng năm các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải lập báo cáo sử dụng năng lượng của cơ quan, đơn vị gửi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét. Trong đó, nêu được kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm năng lượng năm sau so với các năm trước đó. Riêng các dự án đầu tư sản xuất phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng, đổi mới hoạt động sản xuất theo hướng tiết kiệm năng lượng sẽ được nhận ưu đãi đầu tư.

A.V.

127 doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện cả nước còn 127 doanh nghiệp thuộc 40 tỉnh thành gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa xử lý. Trong năm 2010, Tổng cục Bảo vệ môi trường đã tiến hành kiểm tra hoạt động sản xuất của các làng nghề, doanh nghiệp, KCX-KCN đang hoạt động dọc hệ thống lưu vực sông như: sông Đồng Nai, Nhuệ, Đáy, Hàn, Hương… Kết quả, phát hiện 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đến nay đã có 312 cơ sở không còn gây ô nhiễm và 127 cơ sở đang triển khai khắc phục ô nhiễm. Ngoài ra, đoàn thanh tra còn phát hiện thêm 409 cơ sở khác của 40 tỉnh, thành không nằm dọc hệ thống lưu vực các sông cũng đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần xử lý triệt để.

M.X.

105/200 KCN có hệ thống xử lý nước thải

(SGGP).- Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay cả nước đã có 200 khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên là 71.394ha. Trong đó, có 173 KCN đã đi vào hoạt động nhưng chỉ có 105 KCN đã xây dựng và đi vào vận hành công trình xử lý nước thải tập trung. Số còn lại đang triển khai xây dựng nhưng việc triển khai còn rất chậm. Đó là chưa kể số KCX-KCN đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải nhưng vận hành không hiệu quả, thường xuyên thải nước thải đã xử lý nhưng chưa đạt yêu cầu ra môi trường.

Tại TPHCM, cơ quan chức năng vừa phát hiện và xử phạt 6 KCX-KCN đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng chất lượng nước thải sau xử lý thải ra môi trường vẫn vượt tiêu chuẩn cho phép. Tương tự, tình trạng này cũng thường xuyên xảy ra tại các KCX-KCN thuộc các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong việc xử lý các đơn vị vi phạm. Điển hình nhất là chỉ mới áp dụng hình thức xử phạt hành chính mà chưa thể áp dụng biện pháp có tính chất răn đe hơn như buộc tạm ngưng hoạt động hay truy tố hình sự chủ đầu tư vi phạm môi trường.

A.V.

Tin cùng chuyên mục