Ngày 4-4: Nước xả từ Trung Quốc về đến Việt Nam

(SGGPO).  – Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 sáng 26-3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã thông tin chi tiết về tình hình khô hạn, xâm nhập mặn hiện nay.

Trong quý 1-2016, lần đầu tiên tăng trưởng khu vực nông nghiệp bị âm, giảm 1,23% do thiên tai khắc nghiệt, trong đó trồng trọt âm 6%. Thiệt hại nặng nề là Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và ĐBSCL, đơn cử tỉnh Ninh Thuận 45% diện tích gieo lúa bỏ không, Bình Thuận 30% để trống do hạn hán, khu vực Nam Trung Bộ là  26.500 ha. Gần 1 triệu tấn lúa ở ĐBSCL bị thiệt hại. Tây Nguyên 42.500 ha bị hạn nặng. “Thiệt hại chưa phải đỉnh điểm, sẽ còn nghiêm trọng hơn trong thời gian tới”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cảnh báo.

Vừa qua, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Ngoại giao, các bộ ngành liên hệ với Trung Quốc, Lào để họ xả nước xuống hạ lưu sông Mekong hạ lưu sông Mekong để khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. “Ngày 26-3, nước của Trung Quốc về đến Lào, cách biên giới Việt Nam 800 km; đến ngày 4-4, nước sẽ về đến Việt Nam, nhờ đó diện tích ngập mặn sẽ lui về phía biển khoảng 20km”, Bộ trưởng Phát cho biết.

Tuy vậy, tác động xâm nhập mặn đến các tỉnh dọc sông Mekong (Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang) vẫn nặng, thậm chí nặng nề hơn; dọc sông Tiền, sông Hậu sẽ được lợi từ việc xả nước này.

Điều đáng mừng là trong quý 1-2016, nhiều nơi mất mùa nhưng giá nông sản lại khá cả ở trong nước và trên thế giới. Giá gạo, cà phê, điều, tôm... đều tăng, nông dân và ngư dân rất phấn khởi.

“Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo trồng trọt để có vụ Đông-xuân thắng lợi. Đối với Tây Nguyên, ĐBSCL đang chỉ đạo rất sâu sát để hướng dẫn nông dân, bảo đảm vụ Hè thu tới đây thắng lợi, bù lại thất bát của vụ đông xuân. Cùng với đó là bảo vệ cây lâu năm trên Tây Nguyên. Đáng lo ngại là hiện nay nhiều sông suối, hồ chứa ở Tây Nguyên không còn nước. Do không còn nước để tưới nên tuần tới Bộ NN-PTNT sẽ họp với các tỉnh Tây Nguyên bàn các biện pháp sinh học. Cùng với đó, đẩy mạnh chăn nuôi để bù vào trồng trọt. Hiện khoảng hơn 1 triệu người đang bị thiếu nước, phải chở nước đến cung cấp (Tây Nguyên, Nam Trung Bộ mỗi vùng 30.000 hộ; ĐBSCL hơn 200.000 hộ..). Tình hình sẽ còn ảnh hưởng trong vài năm tới. Nếu không làm tốt sẽ gia tăng nghèo đói, trở thành vấn đề xã hội”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cảnh báo.

Với tình hình hiện nay, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Thủ tướng sớm phê duyệt đề án hỗ trợ khu vực vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn. Tổng số tiền cần hỗ trợ là trên 538 tỷ đồng. Các tỉnh cũng kiến nghị hỗ trợ trên 10.000 tấn gạo. Đặc biệt, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hiện Bộ NN-PTNT đã thông báoi tình hình hạn hán ở Việt Nam đến các tổ chức quốc tế. Họ đã tổ chức nhiều đoàn đến khảo sát các tỉnh, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc -UNDP cho biết sẽ có chủ trương hỗ trợ cho Việt Nam cả trước mắt và lâu dài. Đầu tháng 5, Phó Tổng Thứ ký Liên hợp quốc sẽ đến Việt Nam, dự kiến sẽ có kêu gọi toàn cầu hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng El Nino, trong đó có Việt Nam.

 Về an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết đang được làm mạnh. Hiện nay đã chặn đứng nguồn cung cấp ở bên ngoài vào. Các nhà máy trong nước được kiểm soát mạnh, vừa qua kiểm tra hơn 200 mẫu đều không còn chất cấm. Vấn đề hiện nay là kiểm soát các cơ sở sản xuất, chế biến nhỏ lẻ. Đã thông báo nếu phát hiện mẫu nhiễm chất cấm thì sẽ thiêu hủy toàn bộ nguyên liệu của các lò mổ. Việc sử dụng chất cấm trong thực phẩm đã giảm cơ bản. Tới đây, tiếp tục làm mạnh việc sử dụng dư lượng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, chăn  nuôi.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục