1. Ngay từ ngày tôi mới bước chân vào Báo Sài Gòn Giải Phóng, mỗi sáng thứ hai hàng tuần, bao giờ cũng diễn ra buổi giao ban nội dung giữa ban biên tập và với những người làm khối nội dung. Đó không chỉ là cuộc họp nói về hoạt động của tờ báo một tuần qua mà còn là buổi gặp gỡ giữa những người làm báo và là những đợt học tập ngắn với chúng tôi, những phóng viên nhiều thế hệ của tờ báo. Chỉ vài giờ tham gia cuộc họp giao ban nội dung đầu tuần thôi, những phóng viên trẻ chúng tôi (cách đây đã 23 năm) không những được mở mang tầm nhìn ra thế giới với những biến động ẩn chứa nhiều mưu, ý đằng sau; được nghe quan điểm chính thức của báo về những sự kiện đang diễn ra trong nước và biết bao điều lăn tăn trong lòng về đề tài đang ấp ủ, những nhân vật, sự kiện nào đó sẽ được giải mã trong cuộc họp đầu tuần ấy.
Tôi nhớ, lần đầu tiên được dự họp giao ban ở lầu 3 cơ quan ở địa chỉ 432-438 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, đối với tôi là một ngày đặc biệt. Hôm ấy, tôi đến Ban Chính trị rất sớm, khi chị làm vệ sinh trong phòng vừa dứt việc của mình. Tôi còn nhớ như in cái cảm giác lâng lâng khi Tổng Biên tập Vũ Tuất Việt giới thiệu tôi với mọi người trong cuộc họp: “Đây là đồng chí P., từ hôm nay chính thức là phóng viên Ban Chính trị. Cô này đi viết cũng mấy năm rồi nhưng là người mới của báo ta, các đồng chí giúp đỡ để đồng chí mình phát triển tốt”.
Sau này mới hay, với ai anh Tuất Việt cũng làm thế để mọi người biết nhau và biết rằng từ nay anh, chị ấy là người một nhà và đó cũng là cách nhắc nhở từ nay phải sống tích cực và làm việc có trách nhiệm với cơ quan như các anh chị đi trước. Tôi không bao giờ quên sự ấm áp trong buổi đầu tôi trở thành phóng viên chính thức của Báo SGGP, tôi cũng không bao giờ quên lời nhắc nhở chân tình của anh: “Cho dù viết báo bao lâu, ở những đâu, nhưng ở Báo SGGP chỉ là lính mới, phải nỗ lực học theo người đi trước”.
2. Cuộc họp sáng thứ hai đối với tôi thật ý nghĩa. Bởi tôi được nghe, biết nhiều điều về thông tin thời sự quốc tế và quốc nội. Tổng Biên tập nói rõ, quan điểm của báo ta trước những thông tin nhạy cảm ấy. Đấy là “hành lang an toàn” mà Tổng Biên tập “vẽ” ra cho chúng tôi tự do tư duy, chạy chữ suốt tuần mà không sợ “trượt chân”. Phần thứ hai trong cuộc họp sáng thứ hai thật là hồi hộp với mọi người, bởi không ai biết trong “sổ Nam Tào” của Tổng Biên tập có tên mình không. Những khen - chê thẳng thắn, công khai, sếp nói: Hôm qua, tôi đọc bài… của anh T., cứ tưởng tòa soạn giao lầm bài. Thôi nhé, để việc ấy cho phòng quảng cáo làm, làm tốt việc của phóng viên rồi hãy “giúp bạn”. Hoặc là: Bài tường thuật cuộc họp Thành ủy của báo ta hôm nay so với báo bạn viết có sâu hơn, nhưng khô quá khiến người ta nghĩ mình “bê” nguyên báo cáo vào bài, cố viết mềm mại, uyển chuyển hơn. Chị M. ạ, bài phỏng vấn đăng thứ sáu, sắc sảo đấy, đề tài độc quyền phải giữ đấy nhé. Này, anh H., đã chép tin của nơi khác phải chọn tin hấp dẫn chứ, đã cũ lại dở, nếu thấy không viết được nữa thì xin chuyển sang việc khác. Anh T. nhiều kinh nghiệm chụp ảnh lãnh đạo nhưng chưa có kinh nghiệm chọn ảnh, ai lại đưa hình Bí thư Thành ủy đến thăm dân mà chống nạnh vậy, coi không ổn…
Sau buổi giao ban đầu tuần, chúng tôi bước vào tuần mới với tâm thế mới, tự tin hơn khi chọn góc viết giữa ngổn ngang sự kiện ngoài đời.
Anh Tuất Việt không chỉ là người sắc sảo, toàn tâm cho công việc mà anh là người rất tinh tế, tình cảm với mọi người, hầu như ai gặp khó khăn, hoạn nạn bất ngờ anh đều biết và có những hỗ trợ kịp thời. Hồi mới vào làm, tôi không hiểu vì sao nhiều người sợ anh đến thế, mặc dù tôi thấy anh cũng hay cười và thường chào hỏi mọi người dù đó là tôi, một phóng viên mới vào báo. Sau này thì hiểu, anh vui vẻ với mọi người nhưng không hề xuê xoa trong công việc. Anh là một trong những tổng biên tập đã để lại nhiều dấu ấn không thể nào quên đối với những người làm Báo SGGP cùng thời. Và hẳn nhiều người làm báo cùng thời với tôi cũng nghĩ thế.
PHẠM THỤC