(SGGP).- Ngày 18-8, ngày đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2 đã diễn ra khá suôn sẻ; tuy nhiên, hậu quả của cơn lũ quét tại các tỉnh miền núi phía Bắc (Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang…) đã khiến số thí sinh bỏ thi khá đông. Mưa bão, đường sá sạt lở, hư hỏng đã phần nào ảnh hưởng đến việc đi thi của các thí sinh ở vùng vừa trải qua trận lũ lịch sử.
Ông Trần Lê Quân, Phó trưởng Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT Yên Bái) cho biết, đã có gần 100 thí sinh ở cả 2 hệ THPT và bổ túc THPT bỏ thi, trong đó chủ yếu là ở các xã vùng sâu vùng xa, vừa bị thiệt hại do lũ lụt gây ra ở các huyện Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên.
Theo ông Lê Xuân Quốc, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT Lào Cai), trong tỉnh có khoảng 50 thí sinh bỏ thi. Tuy nhiên, ở các hội đồng thi thuộc huyện Bát Xát, nơi vừa xảy ra trận lũ quét kinh hoàng, từ nhiều ngày qua, sở đã chuẩn bị rất chu đáo các phương án cho kỳ thi, các giáo viên cùng với cán bộ xã đã đến tận từng nhà thí sinh vận động, đưa học sinh ra ở trọ trước một ngày tại các nhà dân trong thị trấn, trường nội trú, bố trí chu đáo nơi ăn ở… nên theo thống kê trong sáng nay, chỉ có 2 thí sinh ở huyện Bát Xát vắng mặt. Tuy Tuyên Quang không có thiệt hại lớn sau cơn lũ lịch sử vừa qua nhưng số thí sinh bỏ thi tính đến chiều qua lên tới gần 300 thí sinh, chiếm trên 10% so với số đăng ký dự thi.
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, có 756 TS bỏ thi, 32 trường hợp bị đình chỉ thi vì vi phạm quy chế.
Theo báo cáo nhanh của Sở GD-ĐT TPHCM, TP có hơn 300 thí sinh (TS) ở hệ bổ túc và 110 TS ở hệ phổ thông bỏ thi. Buổi sáng, môn Văn hệ phổ thông có 843 TS đăng ký dự thi, nhưng chỉ có 786 TS đến thi, vắng 57 TS (tỷ lệ vắng 6,76%). Ở hệ bổ túc có 1.493 TS đăng ký dự thi nhưng chỉ có 1.341 TS có mặt, 152 TS bỏ thi (tỷ lệ 10,18%). Môn thi Sinh buổi chiều vắng 53 TS hệ phổ thông (tỷ lệ 6,94%), bổ túc vắng 155 TS (tỷ lệ 10,01%).
Tại Đà Nẵng, tổng số TS đăng ký dự thi đợt hai này là 3.052 TS. Tuy nhiên, ngay trong ngày thi đầu tiên đã có 181 TS ở cả hai hệ TH PT và GDTX bỏ thi. Trong đó, khối THPT có số lượng TS bỏ thi nhiều nhất với 112 TS, hệ GDTX có 69 TS bỏ thi.
Kết thúc ngày thi thứ nhất, tình hình an ninh trật tự trong và ngoài phòng thi được giữ vững, chỉ có duy nhất 1 TS bị đình chỉ thi do vi phạm quy chế trong phòng thi. Ở hệ bổ túc có 5 trường hợp bị đình chỉ thi vì mang tài liệu và sử dụng điện thoại di động và 1 trường hợp đi trễ giờ. Theo nhận xét của các TS, đề Văn dễ trong khi đề Sinh đợt 2 khó hơn đề ở đợt 1.
Thống kê chưa đầy đủ của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: số thí sinh đăng ký dự thi THPT môn Văn là 102.405 người nhưng số đến dự thi hôm qua chỉ đạt trên 97.000 thí sinh, số thí sinh bỏ thi lên tới trên 4.500 trường hợp; tương tự, số thí sinh đăng ký dự thi bổ túc là 43.818 người nhưng có gần 3.000 trường hợp bỏ thi. Trên toàn quốc có 161 trường hợp vi phạm quy chế thi bị đình chỉ, trong đó 67 thí sinh phổ thông và 94 thí sinh bổ túc. Hầu hết các trường hợp bị đình chỉ đều do mang tài liệu và điện thoại di động vào phòng thi.
Buổi chiều, số thí sinh đăng ký dự thi môn Sinh là 89.699 người nhưng số đến thi chỉ có 84.999 thí sinh, bỏ thi 4.700 em; số thí sinh bổ túc đăng ký dự thi là 45.353 em nhưng số đến thi cũng chỉ đạt 41.846 thí sinh, bỏ thi 3.507 em. Như vậy, trong ngày thi đầu tiên, tổng số thí sinh bỏ thi lên tới trên 15.000 em, số thí sinh vi phạm quy chế thi bị đình chỉ sau 2 môn Văn và Sinh là 201 trường hợp, có 2 giám thị tại Cà Mau bị đình chỉ nhiệm vụ vì vi phạm quy chế.
Đ.Lan – Hg.L - Ph.Hậu
Tặng học bổng và sách vở cho học sinh nghèo học giỏi (SGGP). - Nhân dịp năm học mới, ngày 18-8, UBND huyện Củ Chi đã tổ chức lễ trao học bổng cho 100 học sinh nghèo vượt khó học giỏi tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TPHCM. Tới dự có nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Dịp này, Báo Công an nhân dân và NXB Giáo dục cũng trao 40.000 quyển vở và hàng trăm bộ sách giáo khoa cho các em học sinh tại địa phương. Tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng do chi hội Thiện Nhân (thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM) phối hợp cùng 2 đơn vị nêu trên và nhạc sĩ Hà Dũng tài trợ. T.Đ. Kon Tum: 58 HS không được thi tuyển vào THPT vì... không biết lịch thi (SGGP).- Tính đến ngày 18-8, tức sau nửa tháng kể từ ngày thi tuyển vào Trường THPT Đăk Glei được tổ chức, 58 em học sinh (đã tốt nghiệp hệ bổ túc THCS) của xã Đăk-Pét, huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) vẫn còn đợi... câu trả lời cụ thể từ phía ngành chức năng: có được thi hoặc xét tuyển vào bậc THPT hay không? Trước đó, do không nhận được thông báo cụ thể ngày giờ thi và xét tuyển vào Trường THPT huyện Đăk Glei, nên những học sinh này cứ ở nhà chờ hoặc đi rẫy… Chiều 18-8, Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei ông Nguyễn Phúc Phận cho biết đã yêu cầu Hiệu trưởng Trường THPT Đăk Glei làm văn bản gửi Sở GD-ĐT, đề nghị xem xét, sớm tổ chức thi lại cho các em. Còn ông Nguyễn Sĩ Thư-Giám đốc Sở GD-ĐT Kon Tum cho biết: Vụ việc này chúng tôi có biết nhưng hiện tại sở chưa nhận được bất kỳ văn bản phản ánh nào từ phía trường và huyện Đăk Glei. Trong khi các ngành chưa gặp nhau thì mùa tựu trường đã bắt đầu! L.Khế |
Các tin, bài viết khác
-
Báo động tình trạng bạo lực giới trong trường học
-
Hợp tác toàn diện nhóm 7 trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam
-
Tăng cường biện pháp quản lý nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập
-
TPHCM: Hiệu trưởng chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động ngoài giờ chính khóa cho học sinh
-
Hướng mở cho giáo dục nghề nghiệp
-
Bộ GD-ĐT yêu cầu chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo
-
Sẻ chia cùng sinh viên nghèo
-
Sáng kiến bảo vệ hành tinh xanh
-
85 sinh viên được vay gần 4 tỷ đồng, không lãi suất
-
3 trường Đại học Bách khoa ký kết hợp tác