Ngày hội thơ lần thứ 8: Lung linh sắc màu văn hóa

Đã tổ chức 7 năm liên tục nhưng ngày hội thơ lần thứ 8 với chủ đề hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, không chỉ được tổ chức với quy mô lớn hơn hẳn, mà còn mở rộng không gian và thời gian. Trong ngày chính hội, 28-2, nhằm đúng rằm tháng Giêng Canh Dần, hàng vạn người yêu thơ đã tìm về Văn Miếu, Hà Nội để cùng nhau thổi bùng ngọn lửa thi ca.

Đã tổ chức 7 năm liên tục nhưng ngày hội thơ lần thứ 8 với chủ đề hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, không chỉ được tổ chức với quy mô lớn hơn hẳn, mà còn mở rộng không gian và thời gian. Trong ngày chính hội, 28-2, nhằm đúng rằm tháng Giêng Canh Dần, hàng vạn người yêu thơ đã tìm về Văn Miếu, Hà Nội để cùng nhau thổi bùng ngọn lửa thi ca.

  • Sáng bừng ngọn lửa thi ca

Đúng 8 giờ 30, ngọn lửa thiêng từ Đền Hùng đã được nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cùng đoàn rước thực hiện nghi thức rước vào sân Thái Miếu. Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã tiếp nhận ngọn lửa thiêng và thắp lên đài lửa chính, khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8.

Ngọn lửa truyền thống, ngọn lửa thiêng liêng nhằm tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống trong lễ hội thơ hiện đại, khuyến khích động viên văn nghệ sĩ tập trung trí tuệ, tình cảm sáng tác những tác phẩm văn học tốt hơn, hay hơn trong quá trình đổi mới của đất nước đã thắp sáng bừng ngọn lửa thi ca trong lòng mỗi người dân Việt.

Cùng với nghi lễ đặc biệt này, Ban tổ chức Ngày thơ năm nay cũng tạo nhiều không gian để người yêu thơ say đắm với nàng thơ. Ngay từ cổng vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một cuộc triển lãm thơ mang tên Vườn thơ đất nước cây trăm miền đã tạo nên không khí lễ hội thơ. Thơ ca của 63 tỉnh, thành sẽ hiện lên qua 63 cây thơ mang tính tượng trưng. Tiếp đó, trên sân khấu chính Ngày thơ Việt Nam 2010, nhiều hoạt động trình diễn như rước chiếu dời đô, trình diễn thơ, thả thơ, ngâm thơ… cũng được thực hiện.

Năm nay Hội Nhà Văn Việt Nam đã dành cho độc giả trẻ một sân thơ tại không gian thiêng liêng, sân Thái Miếu Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) vào chiều cùng ngày. Lễ hội thơ thiếu nhi được mở đầu bằng lễ thả diều, Cánh diều tuổi thơ Việt Nam sẽ bay lên cùng với câu thơ của nhà thơ Võ Quảng “Cả đất trời đang chờ đón” (trích trong bài Ai dậy sớm). 

  • Rộn ràng sân thơ trẻ

Khoảng sân trước nhà Thái Học- Văn Miếu vốn rộng rãi là vậy, song trong ngày hội này dường như thu hẹp lại, người chen người. Bên những tấm pa nô giới thiệu về những cây bút trẻ không chỉ là những khuôn mặt háo hức của các cô cậu sinh viên mà nơi đây còn giữ chân được nhiều mái đầu bạc như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn dịch giả Đoàn Tử Huyến, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, họa sĩ Phan Cẩm Thượng…

Nhà thơ Trần Quang Quý, người phụ trách sân thơ trẻ, cho biết ban tổ chức tạo ra một sân chơi cho thơ trẻ hoành tráng, sang trọng và có nhiều điểm nhấn hơn để thể hiện sự trân trọng với quá khứ, đồng cảm với hiện tại. Ý tưởng về một “phố thơ” với 3 sân khấu nhỏ dành cho thơ trình diễn, thơ đọc theo lối truyền thống và thơ sắp đặt đã được hình thành. Hàng chục nhà thơ, tác giả đã “tung hoành” trên sân, nhất là thơ trình diễn, như Thái Bảo Anh, Đoàn Văn Mật, Lữ Thị Mai, Lê Ngọc, Lan Tử Viên... Sân đọc truyền thống lại có Thụy Anh, Nguyễn Hoàng Vân Anh, Đồng Chuông Tử, Trịnh Sơn, Nhã Thuyên và những gương mặt không còn trẻ nhưng rất mới mẻ như Lê Anh Hoài đã làm cho góc thơ sắp đặt trở nên “nóng hơn”.

Chọn được 30 gương mặt thơ được giới thiệu dọc trên “phố thơ”, theo nhà thơ Trần Quang Quý, là một sự chọn lựa khá gắt gao. Tại đây, người yêu thơ có thể dễ dàng nhận ra những gương mặt quen thuộc của sân thơ trẻ những năm về trước như Thụy Anh, Lữ Thị Mai và rất nhiều gương mặt mới xuất hiện lần đầu như Sonputra - nhà thơ đến từ Bình Thuận, hay tác giả Đặng Chân Nhân, học sinh lớp 11 đang học tại Anh, hay Huỳnh Thúy Kiều, hội viên Hội VHNT Cà Mau…

Thế nhưng mong muốn đưa thơ đến gần với công chúng hơn, Ngày thơ Việt Nam trở thành một lễ hội thơ chuyên nghiệp, vừa là dịp để các nhà thơ giao lưu với bạn đọc của Hội nhà văn sẽ trọn vẹn hơn nếu cách thể hiện tại khu vực “Vườn thơ đất nước” được trau chuốt kỹ lưỡng hơn chứ không chỉ dừng ở việc trưng những tấm pa nô chữ nhật gồm bốn gương mặt nhà thơ đại diện cho các tỉnh thành trên cả nước. Và khi đó, “Vườn thơ đất nước” không chỉ là chỗ để mọi người dạo xem mà là nơi để người yêu thơ có thể đọc và thưởng thơ trong ngày hội của chính mình

VĨNH XUÂN

Hội thơ Nguyên Tiêu nhớ Bác

Chào mừng Ngày thơ Việt Nam, hôm qua, tại TPHCM, CLB thơ Việt Nam khu vực phía Nam kết hợp với Trung tâm Văn hóa quận 12 tổ chức ngày hội thơ với chủ đề “Nguyên Tiêu nhớ Bác”, hướng về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với sự tham dự của đông đảo các nhà thơ và những người yêu thơ TPHCM và các tỉnh thành phía Nam. Tại ngày hội, nhiều tác phẩm thơ, tranh thơ, câu đối và thư pháp của các nhà thơ và những người yêu thơ, yêu nghệ thuật thư pháp chữ Việt đã được trưng bày theo hình thức chiếu thơ. Mọi người cùng nhau trao đổi, đọc và bình những bài thơ mà mình yêu thích. Đặc biệt, cùng với chương trình giao lưu biểu diễn thơ ca của các CLB thơ, trao giải cho những CLB có chiếu thơ đẹp và ấn tượng, CLB thơ Việt Nam đã tổ chức đấu giá câu đối thơ của nhà thơ Phúc Yên, Phó chủ tịch CLB thơ Việt Nam, với số tiền thu được là 100 triệu đồng để ủng hộ Quỹ Vì người nghèo quận 12. Đây là câu đối thơ có giá cao nhất trong các cuộc đấu giá câu đối thơ của CLB thơ Việt Nam từ trước tới nay.

Tối qua, 28-2, hàng trăm người yêu thơ và người dân TP Quy Nhơn tập trung về Tượng đài Quang Trung để tham dự đêm thơ Nguyên Tiêu. Điểm nhấn của đêm thơ lần này là các tác phẩm hướng về đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội như bài thơ “Nguyên Tiêu” của Bác Hồ, “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, “Nhớ về Hà Nội” của Văn Trọng Hùng, “Ru bên Hồ Gươm” của Nguyễn Văn Chương, “Ngày hội Tây Sơn” của Lệ Thu…

C.THOA - H.TRỌNG

Tin cùng chuyên mục