Nếu như những ngày qua, du khách đến với Festival Huế 2008, được chìm đắm trong nét đẹp hiền hòa và sâu lắng của sông Hương hay vẻ bình dị của một phiên chợ góc quê, làng cổ…
![]() |
Hơn 100 cẩm y vệ đồng diễn màn võ thuật trong Hội thi Tiến sĩ võ. |
Sáng nay, 7-6, du khách được “đổi món” bằng những màn trình diễn võ thuật cổ truyền dân tộc Việt Nam, diễn ra tại Phu Văn Lâu, Đại Nội – Huế, đầy sức mạnh và sự nhân văn toát lên từ võ. Đó là Hội thi Tiến sĩ võ, lần đầu tiên được phục dựng, tái hiện, đưa vào hoạt động trong Festival Huế.
Từ sáng sớm tinh mơ, hàng ngàn người dân lẫn du khách trong và ngoài nước tấp nập đổ về trước quảng trường Phu Văn Lâu, Đại Nội - Huế để chờ xem sự kiện được coi là điểm nhấn tại Festival Huế 2008.
Đúng 7g, sau ba hồi chuông và ba hồi trống giục nổi lên từ Ngọ Môn, một đoàn quân trong trang phục lễ hội truyền thống uy nghiêm từ Ngọ Môn đi ra kéo dài từ Kim Thủy Trì đến đường 23-8, qua cổng Quảng Đức đến trước Phu Văn Lâu rồi chuyển thành 2 hàng đối diện nhau ở phía trước Phu Văn Lâu đến Nghênh Lương Đình làm cho cảnh sắc ở đây càng trang trọng, tôn nghiêm.
Cùng lúc đó, đám rước chiếu chỉ với 4 lính cầm cờ Cảnh và Tất, cùng với 1 võ quan đại thần, 8 lính cầm lổ bộ và 2 biển hồi tỳ, túc tĩnh, 8 cầm ngũ hành và đội đại nhạc cùng long đình rước chiếu chỉ của vua xuất hiện đi về Phu Văn Lâu để hành lễ bước vào hội thi võ.
Hội thi Tiến sĩ võ được chia thành hai phần. Phần thứ nhất là Quan khâm mệnh đại thần cung thỉnh Sắc làm lễ vái và mở chiếu chỉ của nhà vua ra tuyên (phần nghi lễ).
Trong suốt 143 năm, triều Nguyễn, đã tổ chức 39 khoa thi hội tiến sĩ, nhưng chỉ có 3 khoa thi võ vào các năm: Ất Sửu 1865, Mậu Thìn 1868, Kỷ Tý 1869 đều diễn ra dưới thời vua Tự Đức và chọn được 12 vị tiến sĩ và 22 vị phó bảng. Các vị tiến sĩ võ này được khắc tên trên bia đá dựng tại sân Võ Miếu. Khoa thi cuối cùng về Tiến sĩ võ cách đây đã tròn 140 năm. |
Phần thứ hai là màn đồng diễn võ thuật của hơn 100 cẩm y vệ và 7 võ sĩ hội thi trúng cánh biểu diễn các bài võ cổ truyền dự thi của mình như: Côn, Kiếm, Đao, Quyền...và luyện đối kháng trong các vai “Đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ, đệ ngũ, đệ lục, đệ thất”, khiến cho nhân dân và du khách trong và ngoài nước có mặt tại đây hết sức bất ngờ bởi những “vũ khúc” võ thuật thật được các võ sĩ trình diễn bay lên rồi lộn xuống một cách nhẹ nhàng nhưng thật dũng mãnh và không kém phần đẹp mắt.
Kỳ thi Tiến sĩ võ tại kinh đô Huế ngày xưa kéo dài đến cả tháng với nhiều nội dung thi, nhưng sáng nay, nằm trong chương trình tại Festival Huế 2008, “kỳ thi” được tái hiện trong thời gian 1 buổi, song đã để lại một ấn tượng hết sức độc đáo tròng lòng du khách có mặt tại hội thi này.
Nhưng theo các nhà nghiên cứu thì hội thi Tiến sĩ võ sáng nay được phục dựng gần nguyên bản của hội thi Tiến sĩ võ dưới thời Nguyễn. Để vào vai 7 Tiến sĩ võ trên, Ban tổ chức (BTC) Festival Huế đã mời 7 võ sư hàng đầu cả nước và hơn 100 võ sinh trong các lò võ ở Huế tích cực tập luyện trước đó gần 2 tháng trời.
VÕ LINH
Về thăm làng cổ Phước Tích
Sáng nay, 7-6, Festival Huế 2008, tiếp tục với cuộc hành hương về “Hương xưa làng cổ” tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế). “Hương xưa làng cổ” tái hiện lại không gian văn hóa của làng cổ Phước Tích với các hoạt động cộng đồng đặc sắc, như: lễ tế cổ truyền, trình diễn nghệ thuật gốm cổ của làng, nghề điêu khắc, nghề đan đệm, ẩm thực, trò chơi dân gian, tham quan nhà cổ, miếu cổ... trong suốt 3 ngày từ 7 đến 9-6.
Trải qua hơn 500 năm thành lập, với bao biến thiên của lịch sử nhưng Phước Tích đến nay vẫn giữ được những giá trị quý báu cả về văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần.
Nhiều du khách thích thú với hệ thống gần 30 ngôi nhà rường cổ từ 100 đến 180 năm tuổi, kiểu ba gian hai chái theo mô típ kiến trúc cung đình, có họa tiết hoa văn trang trí tinh tế và cực kỳ công phu.
Bao quanh mỗi ngôi nhà là khu vườn rộng chừng 1.000 đến 2.000m2 cùng với nhiều loại cây ăn trái, phía ngoài có hàng rào chè tàu cắt tỉa thẳng tắp. Những công trình tín ngưỡng cùng với những bến nước bên dòng sông Ô Lâu, đình làng, vườn nhà đã tạo nên một bức tranh quê êm đềm...
Năm nay, đêm trước ngày khai mạc dân làng đã làm lễ tế, hôm sau có hội thi nấu cơm nhanh bằng nồi, om đất, thi làm bánh Huế…
Du khách sẽ cùng chơi và tự tay làm chiếc bình hoa bằng đất, nấu om cơm, làm bánh Huế và cùng thưởng thức hương vị quê với cơm om đất ăn với cá rô hoặc cá trê đồng nướng, kho tộ, mít luộc chấm nước lèo, vả trộn, rau muống hay rau khoai luộc chấm nước tương Phước Tích.
Tại lò nung gốm vừa được khôi phục, du khách đã chứng kiến những nghệ nhân làm gốm còn sót lại của làng nghề, sản xuất những sản phẩm gốm cổ truyền như: ấm, bình vôi, chậu hoa, nêu, tách uống trà...
Nằm cách thành phố Huế gần 40km, làng quê Phước Tích, nơi có phong cảnh và đời sống của một làng quê mà con người với thiên nhiên hòa quyện vào nhau một cách hài hòa, chứa đựng sức sống bền vững của một làng quê cổ tưởng chừng đã bị lãng quên theo năm tháng.
Đến với Phước Tích trong Festival Huế 2008, du khách được viếng thăm hệ thống nhà rường cổ, di tích tín ngưỡng, tôn giáo như đình, chùa, miếu, nhà thờ của các họ tộc, các di tích văn hóa Chăm Pa, những cây cổ thụ trên 500 năm tuổi, những bến nước, sân đình, vườn nhà... đã tạo nên một bức tranh làng quê Phước Tích tuyệt đẹp soi bóng trên dòng sông Ô Lâu hiền hòa, thơ mộng.
Phan Lê
Các tin, bài viết khác
-
Travel Blogger Lý Thành Cơ ra mắt sách chia sẻ bí quyết du lịch một mình
-
Mang câu chuyện lịch sử tới lễ hội áo dài
-
Nhất Sinh và những khúc ca ngọt ngào, chân quê
-
Khi Phan làm truyện tranh
-
Khoảng trống yêu thương
-
Khiêu vũ ở công viên
-
Cùng con đọc sách Việt
-
Lộ diện quán quân Dự án làm phim 48 giờ 2020
-
Phát hiện tranh hang động hơn 45.000 năm
-
Đón đọc Giai phẩm ĐTTC Xuân Tân Sửu