Đến thăm Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) trong dịp tết, chúng tôi được nghe nhiều bệnh nhân và người nuôi bệnh gọi bệnh viện là “nhà thương”, theo cách hiểu đó là nơi có tình thương của những người làm nghề y và của xã hội dành cho các bệnh nhân. Chúng tôi đã cảm được đúng nghĩa như thế khi chứng kiến những bệnh nhân không người thân thích, vô gia cư đang được ân cần chăm sóc tại đây.
Hộ lý và y công nghiệp dư
Đó là cách gọi vui dành cho những người đang nuôi người thân nằm viện và hào hiệp chăm sóc luôn cho các bệnh nhân không có người thân. Khoa Nội tiêu hóa của Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận cùng lúc 2 ca có hồ sơ bệnh án giống nhau: “vô danh nam” và “vô danh nam 1”, bị xuất huyết tiêu hóa, tri giác kém, nhận thức lơ mơ, tiếp xúc chậm. Cả hai đều không biết mình là ai, tên gì, nhà ở đâu, ngay cả việc tiêu tiểu cũng không kiểm soát được.
Ông Nguyễn Bính Thân (ngụ tại thị trấn Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An; đang nuôi con trai bị bệnh gan) kể lại: “Hồi ông “vô danh nam” nhập viện, trên người chỉ mặc cái tã giấy, chẳng có quần áo hay vật dụng gì cả. Thấy ổng tiểu ướt hết cả giường mà cứ nằm sụi lơ, tụi tôi không đành nên thay nhau chăm sóc vệ sinh, đút cơm cháo cho ổng. Hàng ngày, ổng được Khoa Nội tiêu hóa cấp tã giấy, Hội Chữ thập đỏ của bệnh viện cung cấp suất ăn từ thiện (3 bữa/ngày). Thân nhân của các bệnh nhân khác cùng phòng cũng góp tiền mua thêm sữa, bánh, tã giấy… để giúp”.
Không chỉ chăm sóc nuôi bệnh, các “hộ lý và y công nghiệp dư” còn ân cần trò chuyện, hỏi han khi 2 bệnh nhân này hơi tỉnh táo để cố truy tìm manh mối về lai lịch, địa chỉ, may ra có thể báo tin cho gia đình của họ. Nhờ vậy, anh Lương Hoàng Anh (ngụ tại Bến Tre, đang nuôi mẹ bị xuất huyết tiêu hóa) đã biết được nhà của bệnh nhân “vô danh nam” ở xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi. Khi bệnh nhân “vô danh nam” khỏi bệnh, được xuất viện, Khoa Nội tiêu hóa dùng nguồn Quỹ Chữ thập đỏ của khoa mua cho bệnh nhân bộ quần áo và còn chu đáo dằn túi 200.000 đồng.
Ông Thân cũng vận động các bệnh nhân cùng phòng góp được thêm 500.000 đồng và cử anh Lương Hoàng Anh đưa “vô danh nam” về nhà. Rất may là dù với thông tin địa chỉ mơ hồ như vậy, nhưng tại trụ sở xã Phú Hòa Đông, một công an viên ở gần nhà nên đã nhận diện được “vô danh nam” là Nguyễn Văn Yên, 53 tuổi. Từ nhiều năm qua, anh Yên sống bên nhà vợ ở Bình Chánh và do bị tâm thần nên vài tháng trước anh đã đi lạc, gia đình tìm kiếm nhiều nơi không thấy. Đây quả là một kết thúc vui đối với những người đã tận tình cưu mang, chăm sóc anh Yên trong suốt thời gian anh nằm viện.
Tối mùng 2 Tết, khi chúng tôi ghé Khoa Nội tiêu hóa, thấy bệnh nhân “vô danh nam 1” đang được điều dưỡng Nguyễn Chí Hiếu cho uống suất sữa tối. Bệnh nhân này nói mình tên Lâm và bảo muốn… nằm viện hoài vì được chăm sóc điều trị và được cho ăn uống.
“Chủ nợ” bất đắc dĩ
Trao đổi với chúng tôi, thạc sĩ - bác sĩ Lê Thị Tuyết Phượng, phụ trách Khoa Nội tiêu hóa và thạc sĩ - bác sĩ Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, cho biết mỗi khi tiếp nhận ca cấp cứu mà người bệnh không có thân nhân hoặc không có sẵn tiền thì Bệnh viện Nhân dân 115 vẫn tiến hành điều trị và cho ký nợ. Hàng tuần, các khoa đều báo cáo lên Ban giám đốc về danh sách và số tiền cụ thể của các bệnh nhân ký nợ.
Phòng Tài chính sẽ tổng hợp, phân loại và xác định tổng số “nợ xấu” rồi chuyển cho Hội Chữ thập đỏ của bệnh viện để nơi đây vận động các mạnh thường quân hỗ trợ. Trong trường hợp vẫn không đủ, bệnh viện phải dùng nguồn thu từ hoạt động khám chữa bệnh để bù đắp. Đó là cấp độ của bệnh viện, còn riêng mỗi khoa cũng có cách làm riêng.
Khoa Nội tiêu hóa có Quỹ Chữ thập đỏ, được hình thành từ nguồn đóng góp của thân nhân người bệnh, của những bệnh nhân được điều trị khỏi đã xuất viện, của những doanh nghiệp có người thân công tác tại khoa… Khoa Ngoại thần kinh cũng tương tự nhưng cách làm có khác, khoa không giữ tiền mà chỉ giữ số điện thoại của các mạnh thường quân, khi nào có trường hợp có bệnh nhân gặp khó khăn thì mới liên lạc đề nghị hỗ trợ.
Trưởng khoa Chu Tấn Sĩ vui vẻ kể về “kinh nghiệm xin tiền” như sau: “Tùy từng hoàn cảnh bệnh nhân mà mình xác định nên xin của ai cho phù hợp. Với những trường hợp chi phí quá cao, vài chục triệu đồng, mình xin nhiều người và nói cụ thể mức vận động. Xã hội có nhiều người tốt lắm, chỉ cần họ thấy mình làm tốt, thực sự đáng tin cậy thì luôn sẵn lòng giúp sức. Ví dụ như năm trước, một nữ doanh nhân khi đến thăm một nhân viên của chị đang nằm điều trị chấn thương sọ não tại đây, thấy có một bệnh nhân khác bị bệnh lý mạch máu não nhưng không có tiền phẫu thuật, chị liền đề nghị khoa cứ tiến hành và đóng toàn bộ chi phí khoảng gần 30 triệu đồng”.
Tấm lòng vàng của các mạnh thường quân chính là sự đơm hoa, kết trái từ tấm lòng vì bệnh nhân của người thầy thuốc. Sự quan tâm, hết lòng vì người bệnh của đội ngũ y bác sĩ đã tạo ra hiệu ứng tích cực, khơi gợi được nhiều tấm lòng, nhiều nguồn lực trong xã hội cùng tham gia chia sẻ bớt khó khăn cho những bệnh nhân thiếu may mắn.
PHONG LAN