Ngày thơ Việt Nam 2010: Tổ chức ở 3 miền

Ngày 5-2, tại lễ tổng kết và trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2009, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, “Ngày thơ Việt Nam 2010” năm nay sẽ được tổ chức quy mô lớn hơn, địa điểm tổ chức nhiều hơn ở cả 3 miền Bắc – Trung - Nam, vào những ngày khác nhau chứ không trùng vào ngày rằm tháng Giêng như mọi năm.

* Tối nay, trao giải cuộc thi sáng tác thơ “Thăng Long - Hà Nội, trái tim tôi”

(SGGP).- Ngày 5-2, tại lễ tổng kết và trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2009, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, “Ngày thơ Việt Nam 2010” năm nay sẽ được tổ chức quy mô lớn hơn, địa điểm tổ chức nhiều hơn ở cả 3 miền Bắc – Trung - Nam, vào những ngày khác nhau chứ không trùng vào ngày rằm tháng Giêng như mọi năm.

Tại mỗi địa điểm tổ chức sẽ có một chủ đề riêng nhưng cùng hướng về Thăng Long - Hà Nội. Cụ thể, ở Hà Nội sẽ là chủ đề “Nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”; ở TPHCM là “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” và tại Huế sẽ là “Từ cố đô nhớ về cố đô”…

Được biết, tại Hà Nội, trước đêm rằm tháng Giêng, sẽ tổ chức trình diễn thơ của sinh viên 4 trường đại học lớn tại Cung Văn hóa Hữu nghị. Ngày 14 tháng Giêng, tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) sẽ diễn ra lễ cầu siêu lớn cho các nhà văn Việt Nam đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến và các nhà văn đã mất.

Hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM, Báo Sài Gòn Giải Phóng và Doanh nghiệp sách Thành Nghĩa phối hợp tổ chức các cuộc thi sáng tác thơ, phổ nhạc từ thơ chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, trái tim tôi”. Cuộc thi đã nhận được gần 500 bài thơ (100 bài thơ hay đã được tuyển in thành tập thơ “Thăng Long - Hà Nội, trái tim tôi”). Sau đó, có gần 200 ca khúc phổ nhạc từ tập thơ trên của các nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên trên cả nước gửi về tham gia cuộc thi phổ nhạc từ thơ.

Ban tổ chức và Ban giám khảo đã chọn 45 ca khúc hay để in thành tập nhạc, 14 ca khúc đặc sắc nhất được tuyển trong CD “Thăng Long - Hà Nội, trái tim tôi” (do Công ty Nhạc Xanh thực hiện).

Vào tối nay (6-2), Ban tổ chức sẽ trao giải cuộc thi thơ và phổ nhạc từ thơ cho các tác giả có tác phẩm đoạt giải tại Nhà văn hóa Thanh niên. Về thơ: giải nhất Hà Nội một thời (Trương Nam Hương), hai giải nhì Nhớ Hà Nội (Đoàn Tú Khang) và Thành phố ngàn năm tuổi (Dương Xuân Định)…; về nhạc phổ từ thơ: giải nhất Nhớ Hà Nội (nhạc Tố Hải, thơ Đoàn Tú Khang), hai giải nhì Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội (nhạc Thanh Bình, thơ Tân Việt) và Hà Nội trong tôi (nhạc Thế Tuyên, thơ Ngô Quỳnh Lan)…

Dịp này, Ban tổ chức cũng phát động cuộc thi Liên hoan hát với guitar “Thăng Long - Hà Nội, trái tim tôi”.

Ngày 5-2, nhà sản xuất và ê kíp làm phim đề tài 1.000 năm Thăng Long mang tên “Khát vọng Thăng Long” đã chính thức ra mắt tại Hà Nội.

Bộ phim nhựa “Khát vọng Thăng Long” được phát triển từ kịch bản gốc là “Chiếu dời đô” của Triệu Tuấn. Trước đây, “Chiếu dời đô” thuộc quyền quản lý của Hãng phim Hội điện ảnh. Sau một năm khảo sát địa điểm quay, tuyển diễn viên..., dự án này đã dừng lại do gặp một số khó khăn về kinh phí. Sau đó, dự án được tiếp quản bởi Hội Truyền thông Hà Nội và được đổi tên thành “Khát vọng Thăng Long”.

Tới thời điểm này, bộ phim lịch sử “Khát vọng Thăng Long” do đạo diễn Lưu Trọng Ninh thực hiện đã hoàn tất các công đoạn chuẩn bị và sẽ bấm máy vào ngày 15-3 tới. Được biết, đoàn làm phim sẽ thực hiện toàn bộ các cảnh quay tại nhiều địa danh trong nước như Ninh Bình, Huế, Tây Nguyên...  

T.HÀ - T.BÌNH - V.XUÂN

Tin cùng chuyên mục