Nghệ An lên phương án di dời dân khỏi vùng lũ quét

Ngày 7-10, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), cho biết, huyện đang lên phương án di dời dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở núi sau khi xảy ra lũ quét.
Nhiều nhà tại huyện Kỳ Sơn bị ngập trong bùn đất sau trận lũ quét
Nhiều nhà tại huyện Kỳ Sơn bị ngập trong bùn đất sau trận lũ quét

Hiện nay, ngọn núi nằm phía Tây bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ) xuất hiện nhiều vết nứt hình vòng cung khá lớn, kéo dài, với độ sâu hơn 1m. Có 20 nhà dân xuất hiện các vết nứt nguy hiểm, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào; nhiều nhà đang có hiện tượng nứt nền đất, nứt tường, xô nghiêng, bị ngập trong bùn đất. Nứt núi cũng đã gây sụt lún, tác động làm nứt, sạt tuyến đường từ thị trấn Mường Xén đi xã Tây Sơn, đoạn qua bản Hòa Sơn. 

Huyện Kỳ Sơn đã tổ chức họp dân bản Hòa Sơn và ghi nhận mong muốn được đến nơi ở mới, đảm bảo an toàn. Trước mắt, huyện Kỳ Sơn giao UBND xã Tà Cạ và Ban Quản lý bản Hòa Sơn di dời các hộ dân bị nứt nhà nguy hiểm đến ở xen ghép với các hộ khác trong bản; khi có mưa lớn phải chủ động, kiên quyết di tản các hộ dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Song song đó, huyện cũng lên phương án khảo sát địa bàn để lập dự án tái định cư ổn định lâu dài cho dân.

Ngày 6-10, lên kiểm tra trực tiếp tại bản Hòa Sơn, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN-PTNT, nhận định, do địa chất bị đứt gãy nên nguy cơ đất từ trên núi sạt xuống nhà dân rất cao. Ông Thò Bá Rê cho biết, việc tái định cư cho dân bản là bài toán nan giải. Một mặt, địa hình Kỳ Sơn có đặc thù dốc, một bên là núi và một bên là vực sâu hoặc sông suối, hiếm có đất bằng. Mặt khác, nguồn lực của huyện có hạn. Vì thế, huyện rất mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ của trung ương và tỉnh. 

* Tại tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương liên quan xử lý khẩn cấp sự cố đê tả sông Mã đoạn qua xã Hoằng Đạo (TP Thanh Hóa). Do mưa lớn từ ngày 28-9 đến ngày 4-10, đoạn đê dài khoảng 1km đã xảy ra sụt lún mái đê, đe dọa tính mạng, tài sản của khoảng 29.000 dân thuộc 5 xã tả ngạn sông Mã. Theo đánh giá của cơ quan phòng chống thiên tai, đây là sự cố nguy hiểm, cần phải khắc phục ngay.

* Cùng ngày, tại Km75 trên quốc lộ 49 đoạn qua đèo A Co (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế), Công ty CP Quản lý và xây dựng đường bộ Thừa Thiên - Huế tiếp tục huy động lực lượng và phương tiện thu dọn đất đá sạt trượt để giao thông được thông suốt.

Đại diện công ty cho biết, từ khi xảy ra mưa do bão số 4 gây ra đến nay, ở vị trí này, 6 lần đất đá sụt trượt tràn ra mặt đường gây ách tắc giao thông nên đơn vị phải ứng trực xử lý thường xuyên nhằm đảm bảo lưu thông tuyến độc đạo từ TP Huế lên A Lưới. 

Tin cùng chuyên mục