Nghệ An - đất học nổi tiếng của cả nước - đang có gần 3.000 giáo viên trở thành “giáo viên không bục giảng”. Một con số khiến nhiều người giật mình. Đây chính là thực trạng khiến các cấp ngành liên quan, nhất là ngành giáo dục Nghệ An đau đầu, còn giáo viên thì đau nghề.
Hợp đồng... không lương
Cô giáo Nguyễn Thị Minh (trú xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, Nghệ An) tốt nghiệp ngành sư phạm, khoa giáo dục tiểu học từ năm 2003, nhưng sau 8 năm đi dạy, cô vẫn chỉ thuộc diện hợp đồng với đồng lương thấp, bấp bênh.
2 năm đầu, cô dạy ở Trường Tiểu học Thanh An, rồi sau đó “chạy” về Trường Tiểu học Đồng Văn nhưng vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng không lương mà ăn theo tiết dạy, mỗi tiết 20.000 đồng. Mỗi tuần cô được phân công 10-12 tiết, mỗi tháng nhận được ngót nghét 900.000 đồng. Trừ bảo hiểm xã hội, y tế, số thực nhận còn lại chưa đầy 700.000 đồng mỗi tháng. Riêng những tháng hè hoặc lúc ốm đau không đến trường được thì coi như… nhịn. Cô Minh chỉ là một trong số hàng ngàn giáo viên ở Nghệ An hiện đang sống dở chết dở với nghề được cho là cao quý này.
Theo số liệu của Sở GD-ĐT Nghệ An, bước vào năm học mới, bậc tiểu học và THCS sẽ thừa 2.975 giáo viên, trong đó có 1.841 giáo viên THCS và 1.134 giáo viên tiểu học. Đó là chưa kể hàng trăm giáo viên khác trong diện hợp đồng đã phải tự giải nghệ tìm nghề khác kiếm sống hoặc chuyển vào các tỉnh thuộc ĐBSCL, Tây Nguyên để hy vọng tìm cơ hội đeo đuổi nghề.
Nguyên nhân của sự dư thừa này, theo ngành giáo dục tỉnh Nghệ An là do số lượng học sinh tiểu học giảm mạnh trong những năm qua. Năm 2000, Nghệ An có 423.000 học sinh nhưng đến năm 2009 giảm 45%, chỉ còn 243.000 và đến năm học 2010-2011 còn trên 230.000 em.
Theo ông Lưu Đức Thuyên, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT Nghệ An), ngoài nguyên nhân số lượng học sinh tiểu học giảm mạnh do tỷ lệ sinh giảm còn do hậu quả của việc trao quyền tuyển dụng giáo viên cho UBND cấp huyện. Những năm từ 1996 đến 2004, chủ tịch UBND một số huyện, thị xã đã ồ ạt tuyển hàng trăm giáo viên dạng hợp đồng, thậm chí hiệu trưởng các trường cũng có quyền nhận người. Hậu quả là hàng trăm giáo viên được tuyển dụng sau một thời gian đành ngồi chơi xơi nước.
Loay hoay tìm lời giải
Để trả lương cho gần 3.000 giáo viên kể trên, tỉnh Nghệ An sẽ phải chi khoảng 80 tỷ đồng mỗi năm. Số tiền này chưa biết tìm đâu ra nên lại được lấy từ nguồn kinh phí được cấp hàng năm cho ngành giáo dục. Do vậy, một số khoản chi đầu tư khác cho giáo dục đều phải cắt bỏ để dành cho quỹ lương.
Theo dự báo của Sở GD-ĐT Nghệ An, số lượng giáo viên dư thừa sẽ tiếp tục căng thẳng hơn vào những năm tới. Năm 2015, bậc THCS sẽ giảm tiếp khoảng 1.500 lớp, kéo theo 2.700 giáo viên biên chế và 800 giáo viên hợp đồng sẽ dư thừa. Trừ những người đến tuổi nghỉ hưu và nếu từ nay đến năm 2015 ngành không tiếp nhận thêm giáo viên nào, số giáo viên ở bậc này vẫn thừa khoảng 2.300 người (trong đó có 1.500 giáo viên biên chế).
Giải bài toán dư thừa quá lớn số giáo viên không hề đơn giản. “Trước đây, có ý kiến đề xuất nên làm mạnh tay bằng cách “rũ sạch” số giáo viên hợp đồng ngắn hạn, không ký hợp đồng tiếp khi hợp đồng cũ hết hạn nhưng sau đó đã không làm được vì không thể đối xử như thế với giáo viên”, ông Lưu Đức Thuyên chia sẻ.
Sau 9 năm thực hiện rà soát cắt giảm số giáo viên dư thừa, ngành giáo dục Nghệ An đã phát hiện 5.320 giáo viên không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn và đã quyết định không cho tiếp tục đứng lớp mà chuyển sang vị trí khác. Đến nay, có 730 giáo viên đã đồng ý ngừng đứng lớp, chấp nhận chờ nghỉ hưu hoặc hưu non.
Ông Lưu Đức Thuyên cũng cho biết, sở sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát những giáo viên không đáp ứng được yêu cầu, vận động họ nghỉ hưu hoặc chờ hưu theo chế độ. Những người tuổi đời còn trẻ, có trình độ, năng lực và tiêu chuẩn có thể chọn đi học tiếp để chuyển sang giảng dạy ở những môn khác còn thiếu như ngoại ngữ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật hoặc đi bồi dưỡng, đào tạo theo chương trình chuyên sâu để chuyển đổi công việc khác.
Ngoài ra, sở đang đề xuất xây dựng lộ trình dạy 2 buổi/ngày cho bậc tiểu học để tạo thêm việc làm cho giáo viên. Tuy nhiên, ông Thuyên cũng nhìn nhận việc chuyển nghề cho giáo viên là vô cùng khó khăn vì chưa biết sẽ chuyển cho họ làm nghề gì mới phù hợp.
Trong khi đó, hàng ngàn sinh viên ngành sư phạm của tỉnh vẫn đều đều tốt nghiệp ra trường. Họ sẽ đi về đâu? Dường như đây là câu hỏi chưa có lời đáp.
D.CƯỜNG-KH.THÀNH