Bệnh nhân nằm bệnh viện (BV) dài ngày, mọi chuyện từ vệ sinh, ăn uống… rất cần bàn tay điều dưỡng viên, nhưng hiện nay những việc này đều do người nhà làm. Không có thời gian để chăm người thân nên nhiều người chọn cách kiếm người thay mình. Điều đáng lo là nhiều người nuôi bệnh là bác xe ôm, cô bán nước, người nhà của nhân viên lao công… không được đào tạo qua trường, lớp chuyên môn nào.
Mỏi mắt tìm người nuôi bệnh
“Bạn tôi bị cưa một chân, nằm BV Chợ Rẫy, cần thuê một người chăm sóc. Mặc dù trả với giá 250.000 đồng/ngày cũng không tìm ra người. Lương hưu của bạn tôi sẽ không đủ trả nếu phải nằm viện một tháng…” - thư của cô Đặng Thị Thanh An, giảng viên đã nghỉ hưu của ĐH Y Dược TPHCM gửi đến tòa soạn với những dòng tâm sự đầy bức xúc.
Theo cô Thanh An, chăm sóc bệnh nhân là công việc của điều dưỡng, nhưng hiện tại công việc phát thuốc, tiêm thuốc họ làm còn không hết nên không thể nào có thời gian chăm sóc bệnh nhân.
Nghề nuôi bệnh hiện đang đắt khách. Tại một số BV, ngay cả điều dưỡng viên cũng hỗ trợ thân nhân tìm người nuôi bệnh nhân. Khi có bệnh nhân điều trị nội trú, họ thường hỏi cần người nuôi bệnh không và chỉ dẫn. Người nuôi bệnh nhiều khi không phải ai khác mà chính là cô lao công, hay bác xe ôm được giới thiệu vào.
Tại BV Bình Dân, chuyện tìm người nuôi bệnh được mọi người chỉ nhau tìm đến các nhân viên lao công. Thân nhân phải chi tiền cò 200.000 đồng cho “trung tâm chuyên chăm sóc bệnh nhân”, cho nhân viên lao công 100.000 đồng tiền chỉ dẫn, người nuôi bệnh thì 200.000 đồng/ngày. Tại Khoa Nhiễm E - BV Bệnh nhiệt đới, bệnh nhân toàn những người mắc bệnh truyền nhiễm, nên nhiều người nuôi bệnh đòi giá 300.000 - 500.000 đồng/ngày.
Ở BV Chợ Rẫy, giới thiệu người nuôi bệnh là “việc làm ăn” của những nhân viên lao công. Người làm khoa nào thì kiếm người nuôi bệnh cho bệnh nhân khoa đó, tuyệt đối không “lấn sân”. Khá lộn xộn là tại BV Nguyễn Tri Phương, bởi hầu như ai ở quanh đây cũng có thể giúp kiếm người nuôi bệnh, từ bác xe ôm, nhân viên lao công, điều dưỡng…
Tại BV Nguyễn Tri Phương, người viết từng chứng kiến, vào giờ cơm trưa, một người nuôi đút cơm cho bệnh nhân S., 70 tuổi, điều trị ở khoa tim mạch. Cơm rớt vương vãi trên giường, thay vì khéo léo đưa từng muỗng vào, người nuôi cứ thúc ăn nhanh, liên tục nhét thức ăn vào miệng cụ và không ngừng nặng lời: “Ăn nhanh đi, không ai ngồi một chỗ cho ăn hoài đâu”. Nghe nói cụ S. có bảo hiểm y tế và thường xuyên nằm viện, người nhà bận đi làm nên phải kiếm người nuôi bệnh.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người chăm sóc người bệnh không chỉ vì đồng tiền mà họ còn có tâm, có tình yêu thương người bệnh, quan tâm chăm sóc, vỗ về bệnh nhân khi không có gia đình bên cạnh. Tiếng cười nói của người nuôi bệnh đã làm cho không khí tại khoa dành các bệnh nhân bị bại não, tiểu đường biến chứng ở BV Nguyễn Tri Phương khác hẳn. Ông D. bị bệnh tiểu đường biến chứng nặng nằm ở khoa nội tiết, mọi sinh hoạt cá nhân rất khó khăn.
Ông D. không có nhà ở TPHCM, chỉ có người con đang đi làm tại đây. Anh P. cho biết thông qua người lao công trong BV mà kiếm được người nuôi. Lúc đầu cũng sợ gặp người làm chỉ vì tiền nhưng sau thấy cha được chăm sóc rất nhiệt tình nên yên tâm đi làm, đến ngày nghỉ hay dịp cuối tuần anh mới vào với cha.
Dịch vụ chăm sóc nở rộ
Xuất phát từ tình trạng thiếu điều dưỡng viên, sự khan hiếm người chăm sóc bệnh nhân, hiện nay một số BV, cơ sở trên địa bàn TPHCM đã mở dịch vụ cung cấp người chăm sóc bệnh nhân. Đi tiên phong ở TPHCM trong việc cung cấp người chăm sóc bệnh nhân, góp phần đáp ứng nhu cầu của xã hội là BV Điều dưỡng - Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp (quận 8).
Từ lâu, BV này đã tổ chức dịch vụ chăm sóc bệnh nhân với hàng trăm người hành nghề nuôi bệnh, đa số họ là nông dân, người thất nghiệp… được BV đào tạo chuyên môn và quản lý, có trang phục riêng.
Nhằm đảm bảo an toàn cho người nuôi bệnh và người bệnh, những nơi tổ chức dịch vụ như BV hoặc trung tâm đã mở các khóa huấn luyện kỹ năng. Người nuôi bệnh phải trải qua vài khóa học cách chăm sóc từng loại bệnh. Đầu tiên, họ được đào tạo về cách tiếp xúc với bệnh nhân, thực hành những việc đơn giản như bắt mạch, đo huyết áp, massage đầu và các chi để cho người bệnh có thể cảm giác. Họ cũng được học công việc khó nhất là chăm sóc các vết thương bị lở loét, thay tã, lau chùi toàn thân, sửa tư thế nằm cho đúng với bệnh.
Điều quan trọng nhất là kỹ năng chiếm được tình cảm và nắm bắt tâm lý người bệnh, làm cho hai bên đều vui vẻ và quan trọng hơn là giúp cho bệnh nhân mau chóng phục hồi.
Không chỉ đáp ứng được nhu cầu của xã hội, dịch vụ chăm sóc bệnh nhân còn tạo việc làm ổn định cho nhiều người. Được đài thọ ăn uống, người nuôi bệnh còn được chỗ ở miễn phí do công ty thuê cho, quan trọng hơn đội ngũ này còn có bảo hiểm y tế nên đã thu hút không ít người vào làm. Làm việc có tổ chức, trở thành người lao động trong tổ chức, người nuôi bệnh không còn chịu cảnh ăn ngủ tại hành lang BV mỗi khi không có người thuê như khi làm nghề kiểu tự phát, không còn sử dụng “chùa” điện, nước của BV (nên BV cũng giảm đáng kể chi phí tiền điện, nước). Có chỗ ăn, ở, nhận mức lương khoảng 3,5 - 7,5 triệu đồng/tháng nên họ khá yên tâm.
Cô Nguyễn Thị Thảo, 45 tuổi, một người nuôi bệnh, tâm sự: “Lúc đầu lên TPHCM buôn bán trước cổng BV, nhưng luôn ế ẩm. Sau này, có vài thân nhân cần người nuôi bệnh, tôi tranh thủ vừa bán hàng vừa chạy ra chạy vào chăm sóc bệnh nhân để kiếm thêm thu nhập, thấy hợp với nghề này nên bỏ luôn công việc buôn bán. Có người chỉ qua các trung tâm xin làm thì công việc ổn định hơn, còn có chỗ ở tại công ty chứ không phải nằm hành lang khi không ai thuê. Từ đó, tôi đã theo dịch vụ và gắn bó với nghề chăm sóc bệnh nhân cho tới bây giờ”.
Hiện nay, có nhiều trung tâm cung cấp người nuôi bệnh như Công ty Nhân Ái, Công ty ProMaids, Công ty SASO.CO… Những bệnh nhân đang điều trị tại nhà có thể mướn người nuôi bệnh từ các đơn vị này khá an toàn, có hợp đồng, không lo thuê phải người gian.
| |
Thanh Hải