Nghề đối mặt tử thần

Nếu hỏi Hassan Sabery, chủ một đài truyền hình tư nhân và một đài phát thanh dành cho phụ nữ có trụ sở tại Kunduz, Afghanistan rằng, nghề nào nguy hiểm nhất ở Trung Á? Không chút lưỡng lự, ông sẽ đưa ra ngay câu trả lời: phóng viên.
Nghề đối mặt tử thần

Nếu hỏi Hassan Sabery, chủ một đài truyền hình tư nhân và một đài phát thanh dành cho phụ nữ có trụ sở tại Kunduz, Afghanistan rằng, nghề nào nguy hiểm nhất ở Trung Á? Không chút lưỡng lự, ông sẽ đưa ra ngay câu trả lời: phóng viên.

Ông Sabery kể từ khi Kunduz rơi vào vòng kiểm soát của phiến quân Taliban hồi tháng trước, tính mạng của những phóng viên nơi đây càng như chỉ mành treo chuông. “Họ xông vào các phòng làm việc, đập phá trang thiết bị của chúng tôi”, ông Sabery nói. May mắn, các nhân viên đã kịp chạy trốn trước khi phiến quân có vũ trang đến nên không ai bị thương hay thiệt mạng.

Đám tang một nhà báo Afghanistan bị sát hại vào tháng 6-2016

Đây không phải lần đầu tiên nhà báo Sabery phải đối mặt với chuyện này. Xe hơi của ông đã bị Taliban nhắm bắn, nhưng có lẽ chưa đến lúc “tận số” nên các viên đạn đi chệch sang bên cạnh. Ông Sabery đã bị tấn công tổng cộng 4 lần. Năm 2016 được xem là năm đặc biệt nguy hiểm đối với nhiều phóng viên tại Afghanistan. Tính từ đầu năm tới nay, đã có 13 nhà báo thiệt mạng, thêm vào đó bạo lực nhắm vào họ cũng gia tăng. Trong vòng 15 năm trở lại đây, tại Afghanistan có 600 vụ tấn công nhắm vào các nhà báo. Trong đó có 60 vụ nhà báo bị sát hại và hơn 40 vụ tấn công bạo lực, bắt cóc các nhà báo.

Đã chấp nhận dấn thân vào nghề báo, ông Sabery không ta thán về những nguy hiểm phải đối mặt nhưng cảm thấy vô cùng bức xúc khi cho rằng Chính phủ Afghanistan không giúp đỡ gì cho nhà báo. “Không một vụ tấn công bạo lực nhằm vào các nhà báo được tư pháp điều tra, các hung thủ không hề bị trừng phạt”, ông Sabery nói. Nỗi lòng của nhà báo Sabery dường như là vấn đề chung chứ không riêng gì ở Afghanistan. Một thống kê của Liên Hiệp Quốc (LHQ) mới đây cho hay 9/10 trường hợp hung thủ tấn công nhà báo vẫn không bị nghiêm trị. Đó cũng là lý do để LHQ quyết định lấy ngày 2-11 hàng năm là Ngày quốc tế đòi trừng phạt các tội ác nhằm vào nhà báo. Nghị quyết trên yêu cầu các quốc gia thành viên LHQ phải có các biện pháp cụ thể để đấu tranh không dung thứ tội ác chống các nhà báo. Đây cũng là ngày để tôn vinh tất cả những người sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm tính mạng để có thể đưa thông tin kịp thời đến với công chúng. Theo Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (CPJ), những nơi mà các nhà báo bị đe dọa nhiều nhất và cũng là nơi tội ác nhằm vào các nhà báo không bị trừng phạt đó là những vùng chiến sự, xung đột. Vì lẽ đó, vấn đề đặt ra trong dịp kỷ niệm năm nay là làm sao bảo vệ an toàn cho các nhà báo tác nghiệp tại những vùng chiến sự.

Riêng với Afghanistan, Nader Nadery, một trong số các cố vấn Phủ tổng thống cho biết cách đây 8 tháng, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã cho ban hành một sắc lệnh cho phép lật lại tất cả các hồ sơ liên quan đến tấn công các nhà báo để điều tra và tiến tới chấm dứt việc hung thủ tấn công nhà báo mà không bị trừng phạt. Một ủy ban gồm các thành viên chính phủ và công đoàn nhà báo cùng hợp tác để mở lại các hồ sơ này. Quyết tâm của Afghanistan cần chờ thêm thời gian mới biết kết quả, nhưng có một điều có thể thấy rõ rằng chỉ có sự yêu nghề, một trái tim đầy nhiệt huyết, quả cảm mới có thể giúp các nhà báo như Sabery tiếp tục theo đuổi nghề nguy hiểm, cái nghề mà ông và các đồng nghiệp luôn phải đối mặt tử thần mỗi ngày .

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục