Nghe đờn ca ở thị thành

Đờn ca tài tử, loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng đất Nam bộ đã gắn bó với nhiều thế hệ người dân phương Nam. Không chỉ ở vùng ven, ngoại thành, mà ở nơi thị thành náo nhiệt, đờn ca tài tử vẫn giữ được những nét riêng vốn có của mình. 
 
Cứ mỗi chủ nhật cuối tháng, tại 1817 Phạm Thế Hiển, phường 5, quận 8, những người yêu tiếng hát, điệu đàn lại tụ họp và cất cao lời ca. Sân khấu hát đờn ca cũng không quá câu nệ về hình thức, một sân khấu tươm tất, đầy đủ ban nhạc và cứ thế buổi hát diễn ra trong một không khí vui vẻ, gần gũi nhất. Sân khấu này hình thành từ khá lâu với sự tham gia của nhiều tên tuổi gạo cội trong làng đờn ca tài tử như cô Bạch Huệ, chú Tấn Đạt, chú Tấn Nhì…

Được đào tạo bài bản về đờn ca, chị Ngọc Đặng đã kiếm sống được bằng nghề hát. Cuối mỗi tháng, chị vẫn tham gia sinh hoạt đều dặn cùng câu lạc bộ, chị không câu nệ chuyện cát-xê hay sân khấu phải hoành tráng. “Được đờn hát cùng mọi người là một niềm vui và cũng là cách để mình rèn luyện nhiều hơn về giọng hát”, chị Ngọc Đặng chia sẻ. Cũng được đào tạo bài bản về chuyên môn và tham gia giảng dạy đờn ca ở một số nơi, nghệ sĩ Minh Đức - giọng nam trầm ấm của CLB Đờn ca tài tử quận 8, cho hay: “Đây là niềm đam mê, nên tôi không đặt nặng chuyện cơm áo, chỉ cần được hát cho thỏa”.

Nghệ sĩ Minh Đức và Ngọc Đặng tham gia biểu diễn trong buổi sinh hoạt của CLB Đờn ca tài tử quận 8

Đến với đờn ca tài tử khá muộn, khi đã về hưu, nhưng cô Mỹ Ngọc cùng chồng là nghệ sĩ đàn bầu Minh Hòa vẫn đều đặn có mặt tại các buổi biểu diễn của CLB. Chồng đàn, vợ hát, với cô chú, đờn ca tài tử là cả một tình yêu. Cô Mỹ Ngọc chia sẻ: “Ngày xưa, cô cũng mê đờn ca tài tử lắm nhưng không đủ duyên gắn bó, giờ nghỉ hưu được tham gia sinh hoạt cùng mọi người, hạnh phúc lắm”. Tiếng hát còn đôi chỗ chưa thật mùi, cũng như chưa quen với việc biểu diễn trên sâu khấu nhưng cô Mỹ Ngọc vẫn hát hết mình.

Là người dân quận 8, khi về hưu, cô Thái Thị Hạnh (chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử quận 8) chọn việc gắn bó với CLB như một đóng góp nhỏ về nghệ thuật cho mảnh đất mà mình gắn bó. Cô Hạnh chia sẻ: “Đờn ca tài tử thấm vào tôi ngay từ nhỏ nhưng điều kiện cho cho phép gắn bó, khi về hưu, tôi tìm đến với đờn ca cũng để thỏa ước mơ”. Phần hỗ trợ kinh phí hàng tháng từ Trung tâm Văn hóa quận 8 không nhiều, nên cô Hạnh trích thêm chút tiền hưu trí để duy trì các hoạt động của CLB.

Việc giữ lửa đờn ca và truyền lại cho thế hệ sau được cô Thái Thị Hạnh và các thành viên CLB rất chú trọng. Khá nhiều em nhỏ dù mới học tiểu học nhưng vẫn được gia đình cho theo tập hát, luyện đờn ca sau những giờ đến lớp tại nhà cô Hạnh. Bất ngờ là tại sân khấu nhỏ bé này đã xuất hiện những tài năng nhí...

Có lẽ không riêng gì CLB Đờn ca tài tử quận 8, mà nhiều nơi khác ở TPHCM, đờn ca tài tử vẫn được duy trì và lan tỏa. Nhiều CLB phát triển lớn mạnh, tham gia các hội thi và được nhiều người yêu thích biết đến. Nếu như nhiều loại hình sân khấu khác vẫn đang chật vật tìm đất diễn, thu hút khán giả thì hát đờn ca vẫn được lan tỏa trong cộng đồng bình dân.

KIM LOAN

Tin cùng chuyên mục