Giữa tháng 1-2011 này, tại TPHCM lần đầu tiên xuất bản bộ sách ảnh về nhiều loại nhạc cụ dân tộc với tên gọi “Tiếng vọng ngàn năm”. Đây là bộ sách ảnh được thực hiện công phu, có thể sử dụng vào việc giảng dạy hoặc giới thiệu với du khách nước ngoài về những loại nhạc cụ dân tộc độc đáo của Việt Nam. Có công lớn là nghệ sĩ Đức Dậu, người đang sở hữu rất nhiều loại nhạc cụ dân tộc của khắp các vùng miền. Dịp này, PV Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện cùng anh…
- PV: Điều gì khiến anh dành nhiều thời gian cho việc sưu tầm các loại nhạc cụ dân tộc và công việc bắt đầu từ khi nào?
- Nghệ sĩ ĐỨC DẬU: Âm nhạc dân tộc là tiếng vọng tâm linh của ngàn đời để lại. Đó là những di sản đầy kiêu hãnh của hàng ngàn năm đấu tranh, sinh tồn của tổ tiên, ông bà chúng ta. Cho nên, là một nghệ sĩ chơi nhạc dân tộc, tôi càng ý thức giữ gìn và phát huy những giá trị thiêng liêng ấy. Từ năm 1988, mỗi khi đi biểu diễn ở bất kỳ nơi đâu, hễ nghe có loại nhạc cụ dân tộc nào độc đáo, sắp bị mai một, lãng quên là tôi lập tức tìm đến “thỉnh” về. Đặc biệt, trước khi “thỉnh” loại nhạc cụ nào đó về, tôi đều dành thời gian để học cách chơi của các nghệ nhân dân gian và nghe các nghệ nhân này kể về nguồn gốc xuất xứ của loại nhạc cụ đó. Và như thế, sự hiểu biết, khả năng thẩm thấu và trình diễn của mình về những loại nhạc cụ đó có “hồn” hơn, sinh động và hấp dẫn hơn. Suốt mấy mươi năm nay, tôi là người nghệ sĩ rất may mắn khi được nhiều nghệ nhân dân gian, nhiều bậc thầy về âm nhạc dân tộc truyền dạy. Tôi nghĩ, đó là một gia tài, vốn liếng hết sức quý giá…
- Với niềm đam mê ấy anh quảng bá nhạc cụ dân tộc như thế nào?
- Việc đưa các loại nhạc cụ độc đáo của dân tộc mình ra giới thiệu với số đông khán giả là điều đáng quý, chúng tôi luôn sẵn sàng. Tuy nhiên, để làm được việc này thường xuyên, lâu dài, cần phải có sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, cũng như các mạnh thường quân. Thời gian qua, tôi luôn ấp ủ thực hiện một show diễn và trưng bày tất cả các loại trống, cũng như các loại nhạc cụ dân tộc mà tôi sưu tầm từ nhiều vùng miền để mọi người thưởng thức, chiêm ngưỡng, nhưng chưa thể thực hiện được vì kinh phí của mình còn hạn chế. Tôi nghĩ, nếu làm được điều này không chỉ phục vụ nhu cầu khán giả mà còn khơi gợi được niềm say mê, yêu thích, sự tò mò, khám phá âm nhạc dân tộc trong giới trẻ. Trong lúc chưa thực hiện được những điều kể trên, tôi đang biến không gian nhà mình thành một nơi trưng bày, trình diễn âm nhạc dân tộc. Nơi đây không chỉ biểu diễn phục vụ các đoàn du khách, các em học sinh mà còn có cả những đoàn ngoại giao đến xem và thưởng thức. Đến với không gian âm nhạc dân tộc này, khán giả có thể cùng thử tài chơi các loại nhạc cụ khác nhau và tôi nghĩ, lúc ấy mỗi người sẽ có một cảm nhận thú vị riêng.
- Anh đã đưa một số loại nhạc cụ của mình đến biểu diễn ở các tụ điểm sân khấu hoặc trường học chưa?
- Mấy năm nay và hiện giờ tôi vẫn thường xuyên được một số trường học mời đến biểu diễn, cũng như giới thiệu về các loại nhạc cụ dân tộc để các em học sinh thêm hiểu biết và yêu thích. Nói thật, khi biểu diễn cho các em học sinh xem, các em rất thích thú, chăm chú theo dõi, chúng tôi cũng cảm thấy phấn khởi. Nhưng tiếc rằng, hiện nay chưa có nhiều trường chú trọng đến việc đưa âm nhạc truyền thống vào học đường. Còn việc chủ động đưa những loại nhạc cụ dân tộc độc đáo đến các tụ điểm, sân khấu, chúng tôi cũng đã làm rồi và khán giả cũng rất thích. Hiện nay, chúng tôi cũng thường xuyên đi show biểu diễn ở các nhà hàng, khách sạn phục vụ du khách. Tuy nhiên, ở nhiều tụ điểm, sân khấu có biểu hiện không thích âm nhạc dân tộc nên chỉ sau vài lần diễn, hiếm khi họ mời… diễn tiếp?!
- Phải chăng do cát-sê biểu diễn của anh cao?
- Tôi cho rằng, hiện nay giá cát-sê của các nghệ sĩ biểu diễn nhạc dân tộc không cao. Ngay như tôi đi show, biểu diễn gần 20 phút với nhiều loại nhạc cụ khác nhau, nhưng giá chỉ 600.000 đồng, đâu thể nào gọi là cao.
- Vậy hiện nay, anh có sống được với nghề?
- Kiên trì vượt qua khó khăn, đến nay tôi có thể sống được với nghề này. Khi càng nghiên cứu, càng đi nhiều, càng tìm hiểu, chơi được nhiều loại nhạc cụ dân tộc, tôi càng cảm nhận được sức mạnh của âm nhạc dân tộc mà ông cha ta đã để lại là rất to lớn. Nét độc đáo của âm nhạc dân tộc là tính hòa hợp, có thể chơi được với nhiều loại nhạc cụ hiện đại của thế giới mà không hề sợ thua kém.
- Chúc những ước vọng của anh sớm thành hiện thực!
ĐỖ HẠNH
| |