Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Quốc Tuấn: Người Việt Nam đầu tiên được phong tặng tước hiệu M.FIAP

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Quốc Tuấn: Người Việt Nam đầu tiên được phong tặng tước hiệu M.FIAP

Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Hoàng Quốc Tuấn sinh năm 1958 tại Sài Gòn, theo học ngành sư phạm và là thầy giáo dạy văn ở một trường miền núi thuộc tỉnh Sông Bé trước đây. Năm 1980, anh giã từ bục giảng đến với nhiếp ảnh. 30 năm sống và sáng tạo với nghệ thuật nhiếp ảnh, Hoàng Quốc Tuấn đã gặt hái khoảng 200 giải thưởng trong nước và quốc tế. Cuối tháng 11-2009 vừa qua, anh được Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế (FIAP) phong tặng tước hiệu M.FIAP. (Master FIAP - Nghệ sĩ bậc thầy).

Niềm vui được phong tặng tước hiệu M.FIAP vẫn còn vấn vương khi NSNA Hoàng Quốc Tuấn trò chuyện cùng chúng tôi. Anh nói gửi ảnh đi dự thi để xem ảnh mình tới đâu mà học hỏi và rút kinh nghiệm, từ khổ ảnh đến chủ đề, xu hướng sáng tác và phong cách thể hiện nghệ thuật nhiếp ảnh trên thế giới. Đây là lần thứ 3 anh tham dự tước hiệu này. Lần đầu tiên là bộ ảnh về nghệ thuật hát bội, kết quả chưa đến; lần thứ hai với bộ ảnh mang tên “Sự trăn trở của môi trường” vẫn chưa đạt. Sau đó anh mới biết “rớt” vì lý do khổ ảnh chưa đúng quy định. Kiên trì, tự tin vào đề tài và cách thể hiện của mình, Hoàng Quốc Tuấn hoàn chỉnh lại bộ ảnh này gửi lần 3, ứng cử tước hiệu M.FIAP (tước hiệu thứ 3), sau các tước hiệu A.FIAP và E.FIAP.

- Anh có thể nói cụ thể điều kiện chung để các NSNA ứng cử tước hiệu M.FIAP?

- NSNA Hoàng Quốc Tuấn: Người ứng cử phải đạt thành tích tác phẩm, nhiều giải thưởng huy chương FIAP và có những đóng góp cụ thể cho nền nhiếp ảnh sở tại, như tham gia giảng dạy nhiếp ảnh, làm ban giám khảo... Người tham dự phải là NSNA xuất sắc thế giới (E.FIAP) trở lên. Nhưng điểm để xét M.FIAP chính là bộ ảnh gồm 20 ảnh thật ấn tượng và được sự đồng ý cao của 21 M.FIAP, thuộc 21 quốc gia; cuối cùng tập hợp những bộ ảnh cao điểm nhất tại Luxembourg, để 5 thành viên quan chức FIAP và các M.FIAP xem xét lần cuối trước khi công bố.

“Bấp bênh” tác phẩm số 16 trong bộ ảnh “Sự trăn trở về môi trường”.

“Bấp bênh” tác phẩm số 16 trong bộ ảnh “Sự trăn trở về môi trường”.

- Bộ ảnh ứng cử tước hiệu M.FIAP của anh có gì lạ?

- Bộ ảnh “Sự trăn trở về môi trường” của tôi gồm 20 tác phẩm. Đó là một chuỗi dài thông điệp được thực hiện bằng máy ảnh NIKON, với nguồn ánh sáng tự nhiên, chếch nhẹ. Vật liệu để tôi thực hiện và sáng tạo bộ ảnh là sơn nước và bột màu trong chiếc khay vuông. Tùy theo độ loãng của sơn nước và bột màu mà tôi cho nó chuyển động ngang, dọc, xoay tròn hay uốn khúc. Tĩnh vật đặt trên đó cũng phải tính toán chi li từ gam màu phải logic với nội dung thể hiện…

Từ ảnh số 1 đến số 20 tôi thể hiện thế giới môi trường được thu nhỏ lúc dịu dàng, êm đềm, lúc tàn nhẫn khốc liệt, lúc quằn quại đau đớn, lúc trăn trở bấp bênh, lúc lạnh lẽo, lúc lại ấm lên vì xuân về tràn trề hy vọng… Chỉ bằng tĩnh vật trong một  chiếc khay tôi muốn thể hiện thiên biến hóa, khi cho vạn vật nhỏ bé nhưng cũng có lúc cho người xem có cảm giác như mình ra khỏi vũ trụ để nhìn lại nơi mình sinh ra và lớn lên… Và xót xa vì đã quá muộn màng, vì chính nơi ấy con người vẫn còn đang hủy diệt môi trường. Điều tôi muốn gửi gắm trong bộ ảnh là thôi thúc, thức tỉnh con người hãy hành động vì môi trường tương lai.

- Ý tưởng cho bộ ảnh từ đâu và môi trường là vấn đề lớn lại được anh “tóm gọn” trong một chiếc khay để thể hiện?

- Có nhiều giai đoạn sáng tác trong sự nghiệp nhiếp ảnh của tôi. Có lúc tôi rong ruổi khắp nơi cùng các đồng nghiệp, chụp những gì mình thấy và nhiều cảnh vật bắt gặp từ thiên nhiên những nơi mình qua đã dung nạp “vốn” để tôi tư duy cho các sáng tạo về sau này của mình - chụp bằng cái đầu chứ không đơn thuần chụp những gì mình thấy. Vì vậy những lúc đi nhiều để “tóm gọn” những cái bao la của thế giới thành thế giới của mình. Có lẽ vì thế mà “Sự trăn trở của môi trường” của tôi thai nghén trong 9 năm đã mang lại vinh hạnh cho tôi, là NSNA Việt Nam đầu tiên và là người thứ hai của Đông Nam Á, đoạt tước hiệu cao quý M.FIAP.

Còn đây là “Con nước chết” tác phẩm số 13.

Còn đây là “Con nước chết” tác phẩm số 13.

- Chụp tĩnh vật là loại khó trong nghệ thuật nhiếp ảnh, nhưng anh đã chọn thể hiện lại rất độc đáo?

- Khó vì là vật tĩnh buộc người chụp phải làm sao để thổi hồn và điều mình gửi gắm làm cho nó sống động thì mới thành công. Dễ là vì mình chủ động thực hiện, khi xác định được cách thể hiện mà không phải vất vả đi xa tốn kém mà chưa chắc đã thực hiện được.

- Sau khi đoạt tước hiệu cao quý của FIAP, anh có những dự định gì trong sự nghiệp của mình?

- Tôi đã đam mê và vẫn tiếp tục sáng tạo. Sẽ cho ra triển lãm cá nhân, in sách ảnh và sẽ cho ra mắt bộ ảnh tôi chụp “khói” từ hàng ngàn cú bấm máy chắt lọc ra. Tôi luôn mong muốn sáng tạo để cống hiến và góp phần cho sự lớn mạnh của nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam.

- Chúc mừng và cảm ơn NSNA Hoàng Quốc Tuấn

AN DUNG

Tin cùng chuyên mục