Nghệ sĩ Võ Minh Lâm: Muốn có dấu ấn, phải học nghề, làm nghề thật giỏi

Là một trong số ít nghệ sĩ (NS) trẻ thế hệ mới của sân khấu cải lương hội đủ thanh và sắc cùng niềm đam mê, NS Võ Minh Lâm chịu khó học hỏi, nhanh nhạy nắm bắt và cập nhật xu hướng giải trí của người trẻ hiện nay để làm mới bản thân. Võ Minh Lâm hiện đã tạo dựng một chỗ đứng vững vàng trên sàn diễn. 

* PV: Góp mặt trong nhiều chương trình từ thiện xã hội, anh tìm được niềm vui và đón nhận các cảm xúc như thế nào?

- NS VÕ MINH LÂM: Tôi đã tham gia nhiều chương trình như Nhịp cầu ước mơ, Ngôi nhà mơ ước, Vượt lên chính mình... Tôi cũng tự thực hiện nhiều chương trình tặng quà, phát gạo, đem nước sạch đến cho bà con nghèo ở một số tỉnh thành và hạnh phúc vì các hoạt động này đem đến cho tôi nhiều nguồn năng lượng tích cực, cảm thấy cuộc sống của mình thêm ý nghĩa. Là một NS trẻ, tôi thấy mình cần phải đi nhiều, tiếp cận thực tế, có những trải nghiệm mới để học hỏi, tiếp thu những vấn đề của đời sống hiện tại. Từ đó, NS trẻ sẽ dễ dàng tìm được nhiều tư liệu về cuộc sống, tâm lý con người trong nhiều hoàn cảnh... cho những vai diễn trên sân khấu.

Nghệ sĩ Võ Minh Lâm: Muốn có dấu ấn, phải học nghề, làm nghề thật giỏi ảnh 1 Nghệ sĩ Võ Minh Lâm 

* Anh thấy NS trẻ hiện nay cần hoàn thiện điều gì cho nghề để giữ chân công chúng mộ điệu với sân khấu?

 - Tôi hiện tham gia hoạt động biểu diễn của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, sân khấu Ngân mãi chuông vàng của HTV, sân khấu Chí Linh - Vân Hà, làm giám khảo cuộc thi Chuông vàng vọng cổ... Tôi may mắn có nhiều nơi để hoạt động nghệ thuật, nên phải cân nhắc giữa chuyện cơm áo gạo tiền và cơ hội được làm nghề. Hiện nay, để trở thành một NS hay ca sĩ nổi tiếng không khó, chỉ cần bỏ tiền, có ê kíp, đầu tư xây dựng hình ảnh, làm MV, tạo hiệu ứng trên mạng xã hội là được giới trẻ quan tâm. Tuy nhiên, điều đó cũng là con dao hai lưỡi, vì nếu bạn có đủ thực lực kinh nghiệm, tài năng để đem đến điều gì đó hấp dẫn cho khán giả, tạo dấu ấn thì tốt; ngược lại, không khéo sẽ đem chính những mặt non yếu của mình phơi bày trước công chúng.

Muốn có dấu ấn, vai diễn để khán giả nhớ cần phải trải qua rất nhiều năm làm nghề và học nghề. Tôi nghĩ 10-15 năm là khoảng thời gian cần và đủ để NS có thể cọ xát với nhiều vai diễn và sàn diễn. Thực tế, để khán giả nhớ đến một NS  thì chỉ có một cách, đó là qua các vai diễn trên sân khấu. Khi ra khỏi rạp, khán giả gọi tên NS bằng tên nhân vật, đó chính là niềm hạnh phúc, là động lực, nguồn năng lượng quý giá để NS làm nghề.

* Mới đây, anh tạo ấn tượng với khán giả qua vai vua Riêm trong vở Nàng Xê Đa, mà không lặp lại cách diễn của cố NSƯT Phương Quang - vai diễn làm nên tên tuổi của ông trong quá khứ với hơn 1.500 suất diễn. Điều đó hẳn không dễ dàng?

 - Trước tiên tôi xin cảm ơn bản dựng của thầy - NSƯT Đoàn Bá và vai diễn để đời của NSƯT Phương Quang và NSƯT Thanh Vy. Hai vai diễn này đã quá thành công và là nền tảng có sẵn để thế hệ NS đi sau, trong đó có tôi, dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm kiếm cái riêng cho mình trong bản dựng mới. 

Sau khi xem nhiều băng đĩa về vở diễn, tôi thấy vô cùng áp lực vì bản dựng trước quá hay. Khi ra mắt bản dựng mới với thời gian tập dượt không nhiều và tần suất diễn còn ít, tôi rất lo khán giả khó chấp nhận phiên bản mới, thế nhưng vẫn phải thử sức mình. Đạo diễn Hoa Hạ đã nghiên cứu rất kỹ để có những ý tưởng và nét khác biệt trong dàn dựng, phục trang, trình thức vũ đạo... giúp NS thể hiện được vai diễn gần gũi, dễ dàng chạm đến cảm xúc người xem. Đặc biệt, vai vua Riêm được dựng và diễn với 3 nàng Xê Đa gồm NSƯT Phượng Loan, NSƯT Lê Hồng Thắm, NS Cao Thúy Vy. Phối hợp với mỗi người cho tôi những sắc thái trình diễn khác nhau, điều đó khiến tôi phải nỗ lực nhiều hơn để ứng biến với cung bậc cảm xúc với từng nàng Xê Đa, làm sao để khán giả cảm nhận được vua Riêm và các nàng Xê Đa đều kết nối hợp lý và liền mạch. Vai diễn này là một sự thử thách vô cùng lớn và là một trong những vai diễn khó nhất từ trước đến nay của tôi.

" Mỗi năm tôi luôn đặt mục tiêu khác nhau và cố gắng thực hiện kế hoạch đề ra. Năm nay, tôi tiếp tục đầu tư nhiều hơn cho hoạt động sân khấu, để thỏa niềm khát khao làm nghề và ước mong có nhiều vai diễn tạo được dấu ấn, đem đến cho khán giả những vở tuồng chỉn chu, hấp dẫn. Tôi nghĩ, tuổi trẻ luôn cần sự phấn đấu. Tôi sẽ cố gắng hết mình với nghệ thuật, sàn diễn, để sau này khi nhìn lại, tôi không cảm thấy tiếc nuối".
                                                              NS Võ Minh Lâm

* Theo anh, sân khấu cải lương cần có điều kiện gì để NS làm nghề phát huy và lan tỏa những giá trị nghệ thuật trong đời sống xã hội và giữ chân khán giả?

- Sân khấu cải lương đã qua thời hoàng kim. Khán giả hiện nay có nhiều mối quan tâm đến các loại hình giải trí đa dạng và hiện đại khác. Vậy nên, NS muốn giữ chân khán giả thì tự thân phải trau dồi, làm mới bản thân mình, làm sao có thể đem đến những chương trình, vở diễn sân khấu thật sự chỉn chu, nghiêm túc, hấp dẫn... thì lúc đó khán giả mới ủng hộ.

Tôi cũng tìm cách tiếp cận khán giả qua các gameshow để các bạn thấy được NS cải lương cũng trẻ trung, hiện đại và gần gũi. Từ đó, đã có thêm rất nhiều bạn trẻ theo dõi hoạt động nghề nghiệp của tôi.

Nếu muốn cải lương lan tỏa, ít ra cần phải có một dàn NS trẻ giỏi nghề kế thừa và phải có một lớp khán giả trẻ, mới, yêu thích cải lương. Cũng cần có thêm nhiều cuộc thi, sân chơi nghệ thuật, các giải thưởng sân khấu truyền thống hấp dẫn để thu hút giới trẻ tìm đến tham gia và thưởng thức. Tôi cũng mong cơ sở vật chất các sân khấu được cải thiện, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu biểu diễn nghệ thuật, đồng thời chăm lo chế độ đãi ngộ đối với NS để chúng tôi yên tâm làm nghề.

Tin cùng chuyên mục