Nghệ thuật đương đại: Cần không gian lẫn chiều sâu

Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory (The Factory Contemporary Arts Centre, đường Nguyễn Ư Dĩ, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức) vừa thông báo tạm đóng cửa. Việc này không quá bất ngờ bởi ngay từ đầu, chủ đích của The Factory là nơi để trình diễn nghệ thuật đương đại; và dù là ở đô thị nhộn nhịp như TPHCM, vẫn chưa có nhiều nghệ sĩ thực hành, khán giả biết cảm thụ về nghệ thuật đương đại lại càng ít. 
Một triển lãm tại The Factory
Một triển lãm tại The Factory

Đương đại và đương thiếu

Nhiều nhà nghiên cứu trong giới mỹ thuật cho rằng, cột mốc của nghệ thuật đương đại Việt Nam được lấy từ năm 1986, khi đất nước bắt đầu đổi mới. Nếu nhìn theo tuyến tính, “phong trào” đương đại có vẻ ồ ạt vào giữa thập niên 1990, rồi dần thoái trào từ sau năm 2005 do hết háo hức và khó tìm được lối ra cho tác phẩm. 

Từ năm 2010 đến nay, dù không có tính phong trào như trước, nhưng nghệ thuật đương đại Việt Nam lại dần đi vào chiều sâu nhiều hơn. Một điểm đáng lưu ý là đã có nhiều tác giả/nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật đương đại từ trong nhà trường, học hành bài bản và làm việc có ý thức đương đại hơn.

Tại TPHCM, không thiếu không gian để tổ chức một cuộc triển lãm hội họa truyền thống hay nghệ thuật sắp đặt. Không gian nghệ thuật đương đại để nghệ sĩ thực hành và lưu trú không quá nhiều, có thể kể đến như: Sàn Art (quận 4), Nguyễn Art Foundation (quận 7), The Factory (TP Thủ Đức)…, nhưng phần lớn khán giả lui tới cũng là dân trong nghề. Nghệ thuật đương đại dẫu không mang tính học thuật, hàn lâm cao nhưng vẫn chưa “chạm” đến đại đa số khán giả, khi trình độ thẩm mỹ cộng đồng hiện tại còn nhiều trăn trở và những lớp học cảm thụ nghệ thuật hiện tại khá nhạt nhòa.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi nhìn nhận: “Cùng với Sàn Art, The Factory, Việt Nam còn có một số không gian khác như Nhà Sàn Collective, New Space Arts Foundation… hướng đến nghệ thuật đương đại. Rõ ràng, các không gian này rất quan trọng và hữu hiệu với nghệ thuật đương đại, vì có tác giả, có tác phẩm thì cần phải có không gian để trưng bày, giới thiệu. Chính các không gian có định hướng sẽ dần dần tìm kiếm, thanh lọc và tạo dựng lớp công chúng riêng. Nói nôm na, sau nhiều năm hoạt động, khi nghe đến tên các không gian này, người đi xem đã hình dung sẽ có gì ở đó. Chính điều này sẽ giúp nâng tầm thẩm mỹ và phân loại thưởng thức nghệ thuật trong khán giả”.

Hướng đến tương lai

Sau 5 năm hoạt động, The Factory là đơn vị đầu tiên tại TPHCM khởi xướng giải thưởng “Nghệ sĩ xuất sắc”, vinh danh những tên tuổi đang nỗ lực trong thực hành nghệ thuật đương đại. Tuy nhiên, nhìn nhận thẳng thắn, điều này vẫn chưa đủ sức hấp dẫn cho một không gian nghệ thuật đương đại. Nhiều đơn vị khác như: Nhà Sàn Collective, Sàn Art, New Space Arts Foundation… đã có được các nghệ sĩ riêng, trong khi The Factory vẫn chưa tạo dựng được tên tuổi nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại cho riêng mình, mà chỉ dừng ở mức ghi nhận vị trí, sự đóng góp trong thực hành sáng tạo.

Sự vắng mặt của một không gian thực hành nghệ thuật trong thành phố hẳn không gây nhiều tác động đến người trong giới cũng như số đông khán giả… Nhưng lại là một nỗi niềm trăn trở lớn cho nghệ thuật đương đại, khi nghệ sĩ và khán giả đã “mỏng”, chuyện đào tạo thường thức trong cộng đồng đã mong manh, nay lại thêm một khoảng trống.

Đương đại thường có khoảng cách nhất định với thương mại và thị trường, nên chi phí hoạt động luôn là vấn đề lớn của các không gian - vốn rất tốn kém. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi phân tích: “Khán giả của nghệ thuật đương đại cũng cần được đào tạo chứ không thể tự dưng mà có, nên bên cạnh các không gian này, nhà trường và xã hội cần có những hoạt động giáo dục, bổ trợ dài lâu cho nghệ thuật đương đại, không thể để tự bơi và tự phát như lâu nay. Có một nghịch lý là những không gian như Sàn Art, Nhà Sàn Collective, New Space Arts Foundation, The Factory… được quốc tế biết nhiều hơn trong nước. Nghĩa là thương hiệu của họ không yếu, mà cách tiếp cận của khán giả trong nước với họ, hoặc ngược lại, đang có những vấn đề cần khắc phục. Trong tiến trình của lịch sử nghệ thuật, nếu không có nghệ thuật đương đại nghĩa là chưa có hiện tại thực sự, vậy thì làm sao hướng đến tương lai và củng cố quá khứ?”.

Gần đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã dành riêng không gian cho nghệ thuật đương đại, điều này tuy hơi muộn màng nhưng cũng là động thái cần thiết để nghệ thuật đương đại có thêm chỗ đứng trong đời sống nghệ thuật và xã hội. Để nghệ thuật đương đại có hướng đi trong đường dài, nhất là lứa nghệ sĩ gen Y, gen Z góp mặt ngày càng nhiều…, cần các không gian bài bản cho nghệ thuật đương đại từ những đơn vị quản lý văn hóa của thành phố bên cạnh các đơn vị tư nhân.

Tin cùng chuyên mục