Đông Nguyên, một thôn nhỏ thuộc thành phố Thụy An, tỉnh Chiết Giang với hơn 1.600 người, là nơi duy nhất ở Trung Quốc còn theo nghề in chữ mộc bản.
Xuất hiện vào thế kỷ 11, nghề này có bề dày lịch sử đáng nể và mang giá trị nhân văn sâu sắc. Vì tư tưởng Nho giáo “dĩ hiếu vi bản” (lấy hiếu làm gốc) nên mỗi gia tộc cứ khoảng 20, 30 năm là phải viết tiếp gia phả mình, rồi cho khắc gỗ, in thành nhiều bản, phổ biến rộng trong các chi, họ liên quan. Dần dần viết gia phả trở thành phong tục của người dân địa phương. Đây cũng chính là nguyên nhân quan trọng giúp cho nghệ thuật in chữ mộc bản trong dân gian không bị thất truyền.
Vương Xuyến Xảo (Wang Chuan Qiao), 55 tuổi là một thợ nổi tiếng của thôn Đông Nguyên (ảnh) cho biết, nghề này bước đầu tiên là phải đi hỏi thăm, tìm hiểu các chi nhánh tông tộc, biết chính xác tên tuổi, tình hình hôn nhân của từng thành viên, ghi rõ những sự việc đã xảy ra. Sau đó khắc ngược từng chữ vào các tấm gỗ, rồi đem in. “Yêu cầu công việc còn tỉ mỉ, chi tiết hơn cả việc điều tra dân số”, ông Vương cho biết. Dù vậy ông vẫn rất thiết tha với cái nghiệp đầy chất “hoài cổ” này.
Tuy nhiên, khi nói đến tương lai của nghề in mộc bản thì ánh mắt ông Vương lại đượm vẻ ưu phiền. Bởi vì hiện nay, khi cạnh tranh với những kỹ thuật mới thì nghề in mộc bản truyền thống đang phải đối mặt với không ít khó khăn, không gian “sống” cho kỹ thuật in mộc bản ngày càng hẹp lại. Mặt khác, giới trẻ Trung Quốc bây giờ không hứng thú với nghệ thuật truyền thống này. Từ năm 1984 ông Vương bắt đầu thu nhận học viên, từ 8 người theo học thì nay chỉ còn 3 do phải làm việc cật lực cả năm chỉ kiếm được 20 ngàn tệ. Với thu nhập như vậy thì thanh niên sao có thể yên tâm theo nghề để không làm thất truyền cái nghệ thuật vốn có hơn 800 năm lịch sử này?
Sau 2 năm nỗ lực đăng ký và trình duyệt, cuối cùng đến giữa tháng 11 vừa qua nghệ thuật in mộc bản - một trong tứ đại phát minh của Trung Quốc thời cổ, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Nhờ vậy, các cơ quan chức năng thành phố Thụy An đã tăng cường chính sách nhằm giữ gìn nghệ thuật in mộc bản truyền thống, đồng thời đầu tư hơn 1 triệu nhân dân tệ cho công tác bảo tồn, khuyến khích những người thợ lành nghề cao niên thu nhận học viên. Trước mắt, chính quyền địa phương đang nỗ lực phục hồi kỹ thuật in chữ mộc bản, làm cho nó không chỉ phát triển mà còn có thêm những sức sống mới
THÔI THÔI