Sở dĩ triển lãm thu hút hàng ngàn lượt người tới tham quan mỗi ngày là bởi nghệ sĩ Anadol đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và những hình ảnh được ghi lại bằng kính viễn vọng không gian để tạo nên cuộc triển lãm.
Đại dịch Covid-19 đã tạo khoảng cách giữa người với người, khiến mọi người gặp khó khăn trong việc kết nối, tạo ra những thách thức cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Trong bối cảnh đó, cuộc triển lãm giúp tái hiện điều gì đó thú vị và nhất là truyền cảm hứng cho người xem, mang theo hy vọng.
Theo nghệ sĩ Anadol, trên thực tế, đại dịch đã khiến con người phải thay đổi các sáng tạo, trải nghiệm và cảm nhận về nghệ thuật. Bản thân anh cũng không thể đi đâu và mắc kẹt trong chính thực tế mà đại dịch tạo ra với tâm lý chán nản. Đây chính là lý do Anadol sử dụng AI trên 200 triệu bức ảnh thiên nhiên cùng tất cả các kính thiên văn mà anh ưa thích. Sau đó, công nghệ AI đã chuyển hơn 2 triệu hình ảnh thành hạt màu đa sắc và tạo ra một biểu đồ động thay đổi liên tục. Sản phẩm được trưng bày trên nền của bản Giao hưởng số 2 của nhà soạn nhạc người Nga Sergei Rachmaninoff. Anadol đã đặt tên cho hoạt động này của mình là “sự sáng tạo đại dịch”.
Triển lãm mang lại hy vọng cho nhiều người, cho thấy thế giới hoàn toàn có thể quay về quỹ đạo cũ một cách chậm rãi, mọi người vẫn có thể trở lại cuộc sống bình thường, tận hưởng cuộc sống như thời gian trước khi xảy ra đại dịch.