Nghệ thuật... tả pí lù

Ngày cuối tuần, tôi cho 2 con đến rạp xiếc ở Công viên Gia Định, quận Gò Vấp, TPHCM để xem múa rối. Cũng lâu lắm rồi tôi mới có dịp trở lại rạp bạt xiếc để xem nghệ thuật, vì nhà ở khá xa, công việc hàng ngày tất bật. Chương trình tôi đến xem được quảng bá là vở kịch rối mới Gala Phù thủy, do đoàn rối Rồng Phương Nam biểu diễn.

Chương trình kéo dài hơn một giờ với phần mở màn là giao lưu sinh động của chú hề, 2 tiết mục xiếc thú hấp dẫn trẻ con: dê trắng và dê đen biểu diễn nhảy qua vòng, đi thăng bằng, lăn vòng; những chú chó lông xù nhảy qua vòng, tập đếm số, đi bằng hai chân. Hai tiết mục này thu hút được sự quan tâm và thích thú của cả phụ huynh lẫn các bé. 

Ngay sau đó là chương trình múa rối được giới thiệu là đặc sắc, sẽ dẫn dắt khán giả đến với nhiều truyện cổ tích quen thuộc của Việt Nam và thế giới. Đặc biệt hơn, ý nghĩa mà câu chuyện kịch rối được dàn dựng là muốn gửi gắm cho khán giả thông điệp bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật, không được tham lam, phải biết yêu thương, chia sẻ, sống nhân ái.

Tôi nghe giới thiệu như thế thì rất mừng, kỳ vọng rằng 2 con của mình sau khi xem chương trình có thể tiếp thu được thêm những điều tốt đẹp cần làm trong cuộc sống.

Để câu chuyện kể thêm sống động, nhân vật Alibaba được sắp xếp cho đảm nhận vai trò người dẫn chuyện, đưa khán giả đến với những không gian, thời gian của những câu chuyện cổ tích Đông Tây kim cổ, từ Alibaba và 40 tên cướp, Phù thủy cưỡi chổi, Bạch Tuyết và 7 chú lùn, đến Tấm Cám… 

Tuy nhiên, câu chuyện kịch rối thật sự quá rối rắm. Cách ráp nối những câu chuyện cổ tích gượng ép, không thể hợp nhất làm một mạch xuyên suốt từ đầu đến cuối.

Cách dàn dựng vở rối đơn giản và cũ kỹ, thiếu hẳn sự mới mẻ cần có dành cho trẻ em hôm nay. Tất cả câu chuyện cổ tích cứ diễn đan xen không thuyết phục.

Vở kịch rối cũng không thể hiện rõ ràng thông điệp cần chuyển tải đến khán giả. Ngay cả âm nhạc cũng không có sự chọn lọc phù hợp, kiểu như thích nhạc gì thì đưa nhạc đó vào, nhạc Việt Nam, quốc tế trộn vào nhau đủ loại, cứ thế mà nện ì đùng, rầm rập trong không gian rạp bạt.

Thú thật, phụ huynh như tôi xem còn không thể cảm được nội dung, các mảng miếng diễn. Nhiều tình huống cố tình tạo tiếng cười hài hước nhưng không thể làm tôi và nhiều khán giả cười được. Suốt cả vở diễn, chỉ có một vài tình huống dí dỏm thật sự mới khiến các bé bật cười vì thấy ngộ nghĩnh. 

Ở thời đại công nghệ 4.0, và nhiều thiết bị giải trí nên trẻ con phát triển tư duy, thị hiếu giải trí cao hơn hẳn so với ngày xưa. Ngay từ nhỏ, các bé đã thông minh, nhanh nhạy, tiếp thu sự chuyển biến của cuộc sống, biết phân biệt bộ phim nào hấp dẫn, bản nhạc nào hay, trò chơi nào vui, thú vị…

Vậy nên, làm nghệ thuật phục vụ trẻ em không đơn giản là người lớn cứ bày trò ra. Quan trọng hơn hết vẫn là nội dung, hình thức của trò mua vui, giải trí cho các bé là gì, được đầu tư dàn dựng như thế nào cho hấp dẫn, mới lạ; Nếu cứ làm đại chương trình cho xong, như vậy rất khó giữ chân được cả phụ huynh lẫn con trẻ quay trở lại sau một lần thưởng thức.

Tin cùng chuyên mục