Nghề trồng lan ở Thái Lan gặp khó

Từ chỗ là thú tiêu khiển phổ biến của giới thượng lưu, nghề trồng lan ở Thái Lan đã phát triển thành một ngành công nghiệp trị giá hàng triệu baht, giúp quốc gia này trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu hoa lan cắt cành lớn nhất thế giới. 
Một vườn trồng lan ở Bangkok
Một vườn trồng lan ở Bangkok

Tuy nhiên, những người trồng lan, vốn đã mệt mỏi sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nay lại chịu thêm ảnh hưởng từ cuộc xung đột ở Ukraine.

Ông Somchai Lerdrungwitayachai, một người trồng lan ở tỉnh Nakhon Pathom, cho biết, lượng khách hàng mua hoa giảm rõ rệt và việc vận chuyển rất phức tạp. Ông trồng lan Dendrobium Sonia, giống lan lai tạo với những cánh hoa màu trắng và tím mỏng manh. Phổ biến ở Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ, lan Dendrobium Sonia được sử dụng trong nhiều dịp, từ nghi lễ tôn giáo đến lễ tốt nghiệp đại học. Tại cơ sở trồng lan rộng 20ha của ông, những người thợ xử lý những cành hoa bằng dung dịch đặc biệt trước khi cắt tỉa gọn và cho vào lọ nhỏ chứa vitamin, chất dinh dưỡng để bảo quản độ tươi của hoa trong vòng 2 tuần.

Theo Bangkok Post, do khó khăn đầu ra, ông Somchai đã phải dùng tiền tiết kiệm trong 2 năm để trả lương cho 50 nhân viên. Ông nói: “Dịch Covid-19 và xung đột tại Ukraine đã khiến giá phân bón, thuốc trừ sâu tăng 30%. Khách hàng lại giảm mạnh, nhất là Trung Quốc, trước đại dịch mua 270 triệu cành lan mỗi năm, giờ giảm xuống còn 170 triệu vào năm 2021”. Doanh thu xuất khẩu lan sang Trung Quốc, từng chiếm 80% tổng doanh thu xuất khẩu của ông Somchai, đã bị ảnh hưởng vì Trung Quốc liên tục phong tỏa nhiều tỉnh, thành do dịch Covid-19. Hơn nữa, do dịch bệnh nên việc vận chuyển hoa lan đến thị trường trọng điểm bằng đường bộ trước đây mất 3 ngày, nay có thể mất từ 8 đến 10 ngày. Trong kinh doanh hoa, thời gian vận chuyển đóng vai trò quyết định vì nếu hoa héo trước khi đến tay khách hàng thì sẽ phải tiêu hủy, người bán coi như mất trắng.

Trong khi ông Somchai cung cấp sản phẩm của mình trực tiếp ra nước ngoài, phần lớn những người trồng lan ở Thái Lan thông qua các nhà xuất khẩu lớn có trụ sở tại Bangkok. Ông Wuthichai Pipatmanomai, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu phong lan Thái Lan và đồng sở hữu của Sun International Flower - công ty xuất khẩu hoa lớn của Thái Lan, cho biết, chi phí vận tải hàng không đã tăng gấp 3 hoặc gấp 4 trong những tháng gần đây, tùy thuộc vào điểm đến. Trước khi xảy ra đại dịch, công ty của ông giao 3,6 triệu cành hoa lan mỗi tháng đến Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Mỹ.

Con số này giờ đây chỉ còn 1,2 triệu. Ông cũng đã phải cho nửa số nhân viên nghỉ việc. Do chi phí tăng nên ông Wuthichai buộc phải tăng giá bán 20%, khiến một số nhà nhập khẩu, nhất là ở châu Âu, ngừng mua để tập trung vào hoa nội địa. Tuy vậy, công ty hy vọng vào doanh số bán hàng sang Nhật Bản vẫn ổn định và doanh số bán hàng sang Mỹ tăng khi bắt đầu mùa cưới. Ngoài dịch bệnh và xung đột tại Ukraine, ông Wuthichai còn lo ngại về thời tiết thất thường. Theo ông, “Đợt rét bất ngờ gần đây vào đầu tháng 4, trong đó nhiệt độ giảm mạnh từ 36oC xuống 21oC chỉ trong 24 giờ, ảnh hưởng đến sản lượng hoa lan”. Người trồng lan sợ rằng những tình huống tương tự sẽ xảy ra ngày càng thường xuyên hơn.

Ngay tại Thái Lan, các quy định phòng chống dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến doanh số bán hàng trong nước. Thiếu khách du lịch đồng nghĩa với việc các nhà hàng và khách sạn giảm đơn đặt hàng, đồng thời cấm tụ tập ảnh hưởng đến các nghi lễ Phật giáo cần nhiều hoa.

Tin cùng chuyên mục