Đọc bài viết “Rừng: Hết phá rồi bán”, đăng trên Báo SGGP số ra ngày 23-10, ai cũng cảm thấy lòng quặn đau, xót xa. Niềm tự hào “rừng vàng biển bạc” nay còn đâu? Bài học nhãn tiền từ thực tế đang diễn ra dù đã được cảnh báo, báo động đỏ từ nhiều năm trước, đến bây giờ nó vẫn còn nguyên giá trị. Đó là “ăn của rừng rưng rưng nước mắt…”.
Sự vô tâm của con người, sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và các cấp có thẩm quyền, đã trực tiếp lẫn gián tiếp tận diệt tài nguyên rừng và khoáng sản ở nhiều nơi. Điều này đã dẫn đến hậu quả không tránh khỏi là thiên nhiên nổi giận và nạn nhân phải oằn mình gánh chịu lũ cuốn người và tài sản chính là người dân miền Trung.
Nỗi đau vì lũ chồng lũ, đại tang trên dòng sông Lam và hàng chục sinh mạng bị cướp đi mỗi khi lũ về thật tê tái. Còn đâu những thảm xanh bạt ngàn của rừng Trường Sơn - nơi che chở cho đoàn quân giải phóng đi diệt thù! Còn đâu những thảm rừng già với những loại gỗ quý, động vật thuộc danh sách đỏ cần bảo tồn ở Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định…
Những “sáng kiến” phá rừng (có phép lẫn không phép), sự nhẫn tâm tận diệt rừng, kể cả khai thác rừng phòng hộ, vô tư khai thác khoáng sản từ titan, vàng, cát đá lậu… đã góp phần “cạo trọc đầu”, làm nghèo nhiều khu rừng già, nơi bảo vệ con người tránh lũ dữ. Thật đáng phẫn nộ khi đọc thông tin ở huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa thuộc tỉnh Quảng Bình, khắp các xã, thị trấn đều có gỗ lậu. Và không thể tin nổi là ngay cả nhà vị Chủ tịch xã Trung Hóa huyện Minh Hóa - người có trách nhiệm, cũng chất đầy gỗ lậu! Đã có hàng ngàn bài báo điều tra sự thật về nạn phá rừng, khai thác gỗ lậu, khoáng sản tràn lan… trên các phương tiện truyền thông đại chúng, kêu cứu thay rừng xanh. Thế nhưng, chúng ta đã làm gì, các cơ quan chức năng và chính quyền sở tại đã làm gì để ngăn chặn, xử lý những vụ việc hủy hoại thiên nhiên như khai thác, phá rừng bừa bãi?
Góp phần vào việc tận diệt rừng còn có bàn tay của những nhà máy thủy điện giăng mắc ở khắp nơi. Vì không còn khả năng giữ nước, điều tiết nguồn nước như thiên nhiên đã giao cho nó, rừng Trường Sơn bây giờ cũng “nghẹn ngào” với nỗi đau không làm tròn bổn phận của mình. Cứ sau mỗi trận mưa, nước lại ào ạt đổ về xuôi gây lũ lụt, hoành hành cuộc sống của người dân vô tội. Nhắc lại những điều này để thấy nguyên nhân khiến thiên nhiên nổi giận, lũ chồng lũ, gây mất mát về người và của như hiện nay một phần do tác nhân con người, trong đó sự vô tâm, thờ ơ của những người có trách nhiệm thật đáng trách.
NGUYỄN THỊ MÂN (Hà Tĩnh)