Nghị án kéo dài vụ kiện giữa Công ty CP Tuần Châu Hà Nội và đạo diễn Việt Tú

Sau 1 ngày mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa Công ty CP Tuần Châu Hà Nội (Công ty Tuần Châu) và Công ty cổ phần đầu tư tổng hợp truyền thông DS (Công ty DS do đạo diễn Việt Tú là chủ), Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội (TAND) đã quyết định nghị án kéo dài, tuyên án vào 8 giờ sáng ngày 18-11.

Theo đó, được toà mời tham dự phiên toà, đạo diễn Hoàng Nhật Nam đã cung cấp những thông tin cần thiết để HĐXX cấp phúc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội xem xét, giải quyết vụ án một cách khách quan, đúng quy định của pháp luật.

Về việc đề nghị HĐXX phúc thẩm bác nội dung tuyên “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh của vở diễn “Ngày xưa”, người đại diện Công ty Tuần Châu cho biết, giữ nội dung kháng cáo này vì liên quan tới uy tín của doanh nghiệp và đối tác của họ là đạo diễn Hoàng Nhật Nam. Tuy nhiên, người đại diện cho Công ty Tuần Châu khẳng định, luôn muốn hòa giải thiện chí.

Nghị án kéo dài vụ kiện giữa Công ty CP Tuần Châu Hà Nội và đạo diễn Việt Tú ảnh 1 Đạo diễn Nguyễn Việt Tú giữ nguyên quan điểm kháng cáo trước đó. Ảnh: GIA KHÁNH

Đại diện Công ty Tuần Châu cho hay, đã phải mất nhiều lần để thuyết phục được đạo diễn Hoàng Nhật Nam làm vở "Tinh hoa Bắc Bộ". Khi đó, dự án của Công ty Tuần Châu lâm vào bế tắc khi không thể liên lạc được với đạo diễn Việt Tú.

Tại toà, luật sư phía Công ty Tuần Châu trình bày, theo Khoản 8, Điều 4, Luật Sở hữu Trí tuệ nêu rõ: “Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn”.

Luật sư cho rằng cấp sơ thẩm đã căn cứ vào Điều 202, Điều 205 - Luật Sở hữu trí tuệ nhưng lại bỏ qua quy định tại Điều 4, Khoản 8 cùng luật này khi tuyên “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh.

"Nguyên đơn khẳng định, nếu theo quy định của Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ (định nghĩa về tác phẩm phái sinh), “Tinh hoa Bắc Bộ” không phải là tác phẩm phái sinh" - lời luật sư.

Bên cạnh đó, đại diện nguyên đơn còn nhắc đến Công văn 295 của Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch). Theo người đại diện này, công văn trên trả lời cho Công ty DS về việc đề nghị hủy giấy chứng nhận tác giả với "Tinh hoa Bắc Bộ" do không đáp ứng Khoản 3 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ nghĩa là sao chép.

Nhưng Cục này trả lời, căn cứ cho thấy chưa có đủ điều kiện hủy giấy chứng nhận tác giả với “Tinh hoa Bắc Bộ” của đạo diễn Hoàng Nhật Nam vì chưa đủ cơ sở cho rằng đây là tác phẩm phái sinh, có sao chép. Từ đó, nguyên đơn đề nghị HĐXX phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty DS, tuyên tác phẩm “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm độc lập, không phải là tác phẩm phái sinh của vở “Ngày Xưa” của đạo diễn Nguyễn Việt Tú.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện của Công ty DS trình bày, DS tiếp tục yêu cầu Công ty Tuần Châu thanh toán khoản thu nhập họ bị mất, chi phí luật sư... tổng cộng là hơn 7,6 tỷ đồng. Bị đơn cho rằng, đơn vị đang nắm quyền chủ sở hữu quyền tác giả. DS khẳng định chỉ chuyển quyền sở hữu kịch bản vở diễn "Ngày xưa" cho Công ty Tuần Châu khi Công ty Tuần Châu thanh toán đủ số tiền trên, hoàn tất thủ tục liên quan, có ghi nhận trên đăng ký quyền tác giả vở “Tinh hoa Bắc Bộ” nội dung: tác phẩm này là phái sinh của kịch bản vở diễn “Ngày xưa”.

Cũng tại phiên tòa, đạo diễn Hoàng Nhật Nam có ý kiến, vở “Tinh hoa Bắc Bộ” và “Ngày xưa” là hai tác phẩm có sáng tạo riêng, có nhịp đập, hơi thở riêng, HĐXX đã dành nhiều thời gian để đạo diễn Hoàng Nhật Nam chỉ ra sự khác biệt giữa hai vở diễn.

Theo đó, đạo diễn Hoàng Nhật Nam chỉ ra những sự khác nhau hoàn toàn giữa hai vở diễn, từ trang phục, ánh sáng, âm thanh, kịch bản của hai vợ diễn. Đạo diễn Hoàng Nhật Nam nói: "Việc tôi thai nghén ý tưởng, tôi có cả một ê kíp. Tùy thuộc vào ê kíp và sự sáng tạo, có nhạc sỹ qua một đêm có thể cho ra một tác phẩm; có nhạc sỹ mất cả đời cũng không ra được tác phẩm ra hồn. Tôi làm việc có cả ê kíp nên có thể làm xong trong thời gian  ngắn, cái này tùy thuộc năng lực từng người".

Trong phần xét hỏi, vị chủ tọa phiên tòa cho rằng, các bên ngay từ đầu đã không hiểu sâu về Luật Sở hữu trí tuệ mới dẫn đến tranh chấp ngày hôm nay.

Tại phiên tòa, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm. 

Đối với nội dung phía Công ty Tuần Châu rút kháng cáo không chấp nhận bồi thường hơn 900 triệu đồng, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị đình chỉ xét xử nội dung này.

Về yêu cầu của phía đạo diễn Việt Tú đưa ra một số điều kiện buộc Công ty Tuần Châu phải thực hiện mới trả quyền sở hữu kịch bản vở “Ngày xưa”, vị đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, đây là yêu cầu vượt quá nội dung phản tố nên không có cơ sở chấp thuận.

Do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp nên để đưa ra được một bản án chi tiết, HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội đã quyết định nghị án kéo dài, tuyên án vào 8 giờ sáng ngày thứ 2, ngày 18-11.

Tin cùng chuyên mục