Được hòa mình trong không khí cách mạng và thiêng liêng của dân tộc, mọi người như được tiếp thêm nghị lực, niềm tin và sức mạnh để bước tiếp trên con đường xây dựng đất nước… Đó là cảm nhận của gần 60 điển hình “làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Đảng bộ khối Dân - Chính - Đảng TPHCM trong chuyến hành trình “Về nguồn” thăm Chiến khu Việt Bắc nhân kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng CSVN (3-2-1930 – 3-2-2010) .
1. Điểm đến đầu tiên là Tân Trào - một xã nằm ở đông bắc huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang), được coi là Thủ đô thời kháng chiến. “Tận mắt chứng kiến nơi Bác Hồ đã từng sống, làm việc trong những ngày đầu cách mạng, mỗi chúng tôi như cảm nhận bao điều thiêng liêng mà từ trước chỉ được đọc qua sách báo” - chị Thân Thị Thư, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM, Trưởng đoàn xúc động nói. Đây là Lán Nà Lừa - một căn lán nhỏ, nằm ở sườn núi Nà Lừa, nơi Hồ Chủ tịch ở và làm việc từ tháng 6-1945 đến cuối tháng 8-1945. Tại đây, ngày 4-6-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập hội nghị cán bộ để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập khu giải phóng và quân giải phóng. Một cán bộ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang bật mí: “Sắp tới, tỉnh trao tặng Thủ đô Hà Nội một bản sao Lán Nà Lừa. Đây là món quà tình cảm thiêng liêng của Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang đối với Đảng bộ và nhân dân TP Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long”.
Rời Nà Lừa, những người con của TPHCM đến thăm Đình Tân Trào. Đình được xây dựng vào năm 1923, được dùng làm nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa của dân làng. Đình thờ 8 vị thành hoàng làng đại diện cho các thần sông, thần núi của làng Tân Lập, xã Tân Trào. Dưới mái đình này, ngày 16-8-1945, các đại biểu trên khắp mọi miền Tổ quốc đã về dự Quốc dân Đại hội để thông qua lệnh khởi nghĩa, quy định Quốc kỳ, Quốc ca và cử ra Ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Đứng dưới mái đình Tân Trào, Lưu Hoàng Nam (Quỹ Đầu tư phát triển đô thị TPHCM), bộc bạch: “Về Tân Trào, chúng tôi đã học được tinh thần của những người chiến sĩ cách mạng và Bác Hồ vĩ đại suốt đời đấu tranh không mệt mỏi vì nền độc lập, tự do của nước nhà, vì hạnh phúc của nhân dân”.
2. Tạm biệt Tân Trào, đoàn TPHCM đi tiếp lên Cao Bằng. Đường lên đèo Gió gập ghềnh nên xe đi chậm, nhất là khi qua những khúc cua gắt. Con đường mà chúng tôi mới đi qua thật đẹp, giống một sợi dây mỏng manh vắt vẻo giữa đồi núi trùng điệp. Đường từ Cao Bằng tới Pác Bó không xa, chỉ 70km, nhưng khó đi vì đơn vị thi công đang mở rộng đường.
Gần tới nơi, trời cũng bắt đầu chập choạng tối, chúng tôi nghe văng vẳng tiếng suối reo và cảm nhận được sự thanh bình trong tiếng reo ấy. Dưới chân núi Các Mác sừng sững, con suối Lênin trong vắt, xanh biếc lặng lẽ chảy về xuôi. Con đường trải đá dọc theo bờ suối dẫn đến một hang sâu. Nơi đây, Bác Hồ từng ở một tháng sau khi vượt biên giới trở về nước. Bên bờ suối là chiếc bàn đá nơi Bác từng ngồi dịch lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô. Hang Pắc Pó hiện ra bên sườn núi đá lởm chởm. Đứng ngoài cửa hang nhìn xuống, trên vách đá còn thấy được dòng chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngày 8 tháng 2 năm 1941”. Đó là ngày Bác đến ở hang này - một hang nhỏ, ẩm thấp, nằm sâu trong khe núi, chẳng mấy ai để ý tới và phải thật khéo mới đi qua được. Muốn vào hang phải men theo dòng suối Lênin, qua những lớp đá và rừng cây xanh um. Nguyễn Quốc Việt, Bí thư Đoàn TNCS khối Dân-Chính-Đảng TPHCM bày tỏ: “Trên đường vào hang, mấy lần tôi suýt ngã vậy mà trước đây, ngày nào Bác cũng ra vào nơi đây. Nghe mọi người kể, lúc về Pác Pó, chân Bác mang “hài sảo” dây rơm, vì đi nhiều quá, có lúc sợi dây cắt đứt cả chân Bác. Thế mà ngày ngày, Bác vẫn “sáng ra bờ suối, tối vào hang”.
Từ nơi chúng tôi đang đứng, cách không xa là đường biên giới Việt-Trung, có cột mốc 108 - nơi Bác Hồ đã cúi xuống ôm hôn mảnh đất Tổ quốc sau bao năm xa cách… Nghe kể về Bác, anh Phạm Văn Thanh Hồng (cán bộ Tổ cải cách hành chính của UBND TP), xúc động nói: “Chuyện về Bác Hồ ở Pác Pó có nhiều giai thoại đẹp quá, thần kỳ quá. Đến Pác Pó, những người con miền Nam như thấy chân thêm cứng, tinh thần thêm vững để bước tiếp trên con đường mà Bác đã vạch ra. Dường như đây là sức mạnh vô hình do Bác truyền lại cho thế hệ mai sau”.
Đoàn đại biểu TPHCM đã ghé thăm Bảo tàng Cao Bằng, nơi đang lưu giữ hơn 300 kỷ vật, ở đó có chiếc va-li mây - tài sản theo Bác chu du khắp các nước từ Đông sang Tây suốt 30 năm ròng. Chiếc va-li nhỏ nhắn, đơn sơ nhưng chứa đựng cả gia tài vô giá, trong đó có tác phẩm “Đường kách mệnh” với lời khẳng định: Đảng CSVN là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam và chỉ ra mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Bóng tối lúc này đã phủ kín bầu trời. Trong không gian tĩnh mịch của núi rừng Việt Bắc về đêm, một bạn trẻ trên xe khẽ đọc câu thơ Tố Hữu, nghe sao ấm áp lòng người: “ Bác ơi, tim Bác mênh mông thế. Ôm cả non sông, mọi kiếp người…”.
Tuấn Sơn