Họ là những cựu chiến binh, thương binh trở về sau khi làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Trên mảnh đất quê hương, bằng nghị lực của anh bộ đội Cụ Hồ, họ đã vươn lên để làm giàu chính đáng, giúp ích cho xã hội.
Trở về từ trận mạc
Về huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, vùng đất miền Trung trong những ngày cuối tháng 7, giữa cái nắng oi nồng của ngày hè, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Duy Tạo (sinh năm 1962), một thương binh trở về từ chiến trường Campuchia với thương tật 1/4. Anh Tạo kể lại những ngày tham gia quân ngũ vẫn mãi khắc sâu trong tâm trí. 20 tuổi, anh lên đường nhập ngũ. Sau khi được huấn luyện tại An Khê, Gia Lai, anh làm công binh tại Tiểu đoàn 15, Sư đoàn 2. Hai năm sau, anh Tạo cùng đồng đội tham gia chiến dịch mùa khô ở Campuchia. Lúc này, đơn vị đóng tại tỉnh Preah Vihear, giáp biên giới Thái Lan. Thời gian đầu qua Campuchia, anh cùng đồng đội gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn trăm bề, thêm nỗi nhớ nhà da diết, nhưng anh em trong đơn vị luôn giữ vững tinh thần chiến đấu và chia sẻ những buồn vui. Trong một lần trận đánh diệt tàn quân Pol Pot, anh Tạo giẫm phải mìn khiến anh bị thương nặng ở chân cùng nhiều bộ phận trên cơ thể. Hai ngày sau đó, anh được đưa về Việt Nam. Trên đường trở về, những vết thương khiến anh lúc tỉnh lúc mê...
Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến thăm anh Võ Văn Tốt (sinh năm 1960), cũng là thương binh 1/4 trở về từ chiến trường Campuchia. Anh Tốt kể, năm 22 tuổi, anh lên đường nhập ngũ, được huấn luyện tại quân trường An Nhơn, sau đó, chuyển về Tiểu đoàn 9. Ở chiến trường 2 năm, trong một lần chiến đấu, anh bị phục kích, trúng đạn bị thương ở đầu và chân. Vết thương nặng nên anh được chuyển về Bệnh viện Quân y C17 ở Đà Nẵng, rồi chuyển ra Bệnh viện 103 ở Hà Nội. Sau thời gian điều trị, sức khỏe hồi phục, trí nhớ dần ổn định, nhận ra mình không còn lành lặn như trước, anh nghĩ về tương lai, về gia đình và đau khổ, dằn vặt nhiều tháng. Các y bác sĩ và đồng đội luôn ở bên cạnh động viên giúp đỡ, anh đã lấy lại tinh thần và ra viện trở về quê hương...
Tàn nhưng không phế
Khi trở về, các anh gặp nhiều khó khăn và phải mất một thời gian để hòa nhập cuộc sống, lập gia đình, có con cái. Mỗi người chọn một con đường làm kinh tế riêng và đến nay ai cũng thành công.
Bản tính năng động, anh Tạo cùng gia đình đi làm kinh tế mới ở Cà Mau. Ban đầu, gia đình anh mưu sinh bằng nghề may, do lúc còn trong quân ngũ, anh đã học qua nghề may nên dễ dàng bắt đầu cuộc sống nơi đất lạ quê người. Buổi tối, anh cùng vợ đi thu mua tôm để bán lại. Năm 1993, nhờ cần cù lao động, vợ chồng anh Tạo đã tích góp được một số tiền và quyết định hồi hương gây dựng sự nghiệp. Lúc đó, ở quê anh chưa có điện nhưng anh nhìn xa nên tìm đến bạn bè học sửa chữa điện. Chẳng bao lâu, anh thạo nghề và quyết định đầu tư mua máy phát điện và máy chiếu phim để vừa kinh doanh vừa phục vụ bà con giải trí. Năm 2000, nguồn điện nông thôn được tải về quê anh. Nắm bắt cơ hội, anh Tạo mở tiệm bán và sửa chữa đồ điện với số vốn ít ỏi 3 triệu đồng. Bà con tin tưởng nên ai cũng tìm đến anh để mua đồ điện và nhờ anh sửa. Kinh doanh phát triển, anh mở thêm cửa hàng tạp hóa. Sau đó, để thuận tiện trong đi lại và mua bán, anh Tạo đặt làm một chiếc xe 3 bánh để chở hàng theo yêu cầu và làm luôn việc chở khách.
Còn anh Tốt vui vẻ kể, anh đã chọn cho mình một hướng đi khác. Năm 1990, anh về quê rồi lập gia đình. Anh ấp ủ ước mơ mở một trang trại nuôi gà nhưng điều kiện gia đình lúc bấy giờ cùng sức khỏe không cho phép. Nhà gần sông nước nên vợ chồng anh chọn nghề đánh bắt cá và làm nông để mưu sinh. Đầu tư mua sắm ngư cụ, hàng ngày anh Tốt thức dậy từ 3g sáng để thả lưới đánh cá. Công việc đều đặn đến nay, đem lại thu nhập đủ cho anh lo cho gia đình và lo thuốc thang thường xuyên cho mình.
Hai con người, cùng một hoàn cảnh và họ đều không đầu hàng số phận, luôn tìm cách vươn lên trong cuộc sống. Thêm điều tuyệt vời với 2 anh là mỗi người đã có được người vợ luôn đồng hành, chăm sóc và tiếp thêm nguồn năng lượng. Hiện nay 2 anh đã có nhà cửa khang trang và kinh tế vững vàng.
KIM NY - KIM TUẤN