“Nhiều đêm tôi khóc rất nhiều, buồn vì tạo hóa sao quá bất công đã sinh ra mình thua thiệt với người ta, đôi mắt mù lòa, gia đình lại nghèo túng và không được đến trường học chữ. Nhưng rồi tôi nghiệm ra rằng, nếu không nhìn được thì phải dùng đôi tay, đôi chân, dù nghiệt ngã nhưng vẫn còn có ích…”. Đó là tâm sự của chị “Sáu mù” Trần Thị Cẩm Dọn ở cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ).
Chị Dọn (43 tuổi, ngụ khu vực Long Châu) là con thứ sáu trong một gia đình nghèo có 7 anh chị em, làm nghề truyền thống đan đát ở cồn Tân Lộc. Vừa chào đời, đôi mắt chị đã vĩnh viễn không thấy được ánh sáng. Hoàn cảnh nghiệt ngã, không được cắp sách đến trường, chị mò mẫm theo cái nghề chẻ tre đan thúng của cha mẹ.
Chị “Sáu mù” chẻ tre đan thúng mủng
Thuở ban đầu khi thấy đôi tay yếu ớt của con cứ bị trầy xước, rồi chảy máu khiến bố mẹ chị như đứt từng khúc ruột và khuyên can không cho chị học nghề nữa. Thế nhưng ước mơ không làm chị nản chí. Hàng ngày, chị lén cha mẹ bò ra sau nhà dùng dao tự tập chẻ tre nứa sao cho thật mỏng. Dần dà theo năm tháng, cha mẹ chị cũng không cản được ước mơ của chị, rồi chị cũng dần vươn lên trở thành nghệ nhân đặc biệt và trẻ nhất làng. Những nỗ lực của chị đã được mọi người thán phục.
Chị Đỗ Thị Anh Thi (38 tuổi), hàng xóm của chị Sáu, chia sẻ: “Chị Sáu là một người đầy ý chí và nghị lực, có thể nói đây là trường hợp rất đặc biệt, mặc dù bị mù cả 2 mắt nhưng chị vẫn lao động như những người sáng mắt. Đối với người mù, để sống được, không trở thành gánh nặng cho gia đình là điều rất khó khăn, vậy mà chị đã tự nuôi được bản thân mình suốt hàng chục năm qua dù trong hoàn cảnh như thế nào. Mọi người sống ở đây đều xem chị Sáu là một tấm gương sáng về nghị lực vượt qua số phận, vươn lên trong cuộc sống. Mới lần đầu gặp, ít ai ngờ rằng chị Sáu lại có thể tự mình đan được những chiếc thúng thật chắc lại rất tỉ mỉ.
Có gặp gỡ, tiếp xúc với chị Sáu mới thấy hết những khó khăn trong cuộc sống đời thường của chị và cảm phục ý chí kiên cường vượt khó bằng mọi cách để vươn lên. Sau quá trình tích cóp, năm 1996, chị sắm được 9 chỉ vàng để dựng cho riêng mình một ngôi nhà gỗ nho nhỏ rồi dọn ra ở riêng, tự mình lo toan mọi thứ. “Tôi nghĩ trong cuộc sống còn rất nhiều người thiếu may mắn hơn tôi mà họ vẫn vượt qua. Vì vậy, tôi càng phải cố gắng sống tốt để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”, chị Sáu nói.
Nghị lực của chị “Sáu mù” xứng đáng là tấm gương sáng cho không chỉ riêng chị em phụ nữ khuyết tật mà còn cho nhiều người trong xã hội.
HẠNH NGUYỄN