Dù mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng hàng chục năm qua cô Ngô Thị Hạnh (50 tuổi, ở thôn Phú Lâm, xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn cố gắng vượt qua tất cả, ngày ngày miệt mài đưa con chữ đến với học sinh người Lào và người kinh ở vùng biên giới Việt - Lào. Không những vậy, cô còn là người mẹ, người vợ đảm đang trong gia đình, nuôi 4 con ăn học đại học.
Đưa chữ đến với học trò
Xã Phú Gia có 19,3km đường biên giới giáp với nước bạn Lào, toàn xã có 1.423 hộ, 5.300 nhân khẩu, trong đó có 40 hộ với 176 nhân khẩu là người dân tộc Lào (nguồn gốc người Lào sang Phú Gia sinh sống và ở lại đây định cư, lập nghiệp cho đến nay). Phân hiệu trường Phú Lâm, ở thôn Phú Lâm thuộc Trường Tiểu học Phú Gia nằm lọt thỏm giữa đại ngàn dưới chân dãy núi Giăng Màn, tách biệt với bên ngoài, cách điểm trường chính ở trung tâm xã gần 20km, trong đó có 15km đường đèo dốc, đây cũng là phân hiệu trường lẻ xa nhất ở huyện Hương Khê.
Cô Hạnh sinh ra ở thôn Phú Lâm, được gia đình cho ra trung tâm thị trấn Hương Khê trọ học. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, cô dự định học lên cao đẳng hoặc đại học, nhưng vì là con một trong gia đình, bố mẹ già yếu, hoàn cảnh khó khăn, nên phải ở lại với núi rừng. Khi phân hiệu trường Phú Lâm thành lập, cô được chọn cử tuyển học lớp cấp tốc 3 tháng nghiệp vụ trung cấp sư phạm của Trường Đại học Hà Tĩnh. Năm 1986, cô được tuyển vào dạy tại phân hiệu trường Phú Lâm và từ đó đến nay hàng ngày cô miệt mài dìu dắt, đưa con chữ đến cho các thế hệ học trò là con em người Việt, người Lào ở vùng biên giới Việt - Lào này.
Cô Hạnh đang giảng bài cho học sinh tại lớp ghép 2+3, phân hiệu trường Phú Lâm, ở thôn Phú Lâm, xã Phú Gia.
Cô Hạnh cho biết, năm nay cô được giao làm chủ nhiệm lớp ghép 2+3 (một nhóm học chương trình lớp 2 và một nhóm học chương trình lớp 3), với 13 học sinh, độ tuổi từ 7-9. Một tuần học 8 buổi, 5 buổi sáng và 3 buổi chiều. Ngoài ra, ở phân hiệu Phú Lâm còn có 2 cô giáo khác chủ nhiệm lớp 1 và lớp ghép 4+5. Do ở vùng biên giới xa xôi cách trở, nên việc đến trường học chữ của con em người Lào ở đây gặp rất nhiều khó khăn, nhiều em phải đi từ nhà đến trường hơn 5,5km, còn lại 2-4km. Ngày trước, mỗi gia đình ở một góc rừng, các cô phải tìm đến tận từng nhà để động viên, thuyết phục mãi họ mới cho con em đến lớp học. Nhưng nay, ai cũng ý thức được việc học, nên con cái sinh ra lớn lên dù khó khăn đến mấy họ cũng đều cho đến lớp học chữ…
Cầu có đủ sức khỏe để tiếp tục dạy chữ
Cuộc đời cô Hạnh sẽ diễn ra êm đềm, nếu như căn bệnh ung thư vòm họng không bất ngờ ập đến. Đó là vào năm 2001, khi đưa mẹ (năm nay 71 tuổi) xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh khám bệnh, do trước đó cảm thấy trong cổ họng đau nhẹ, cô cũng vào khám thử có bị viêm họng không. Nào ngờ, bác sĩ cho biết phát hiện khối u nơi vòm họng nên giới thiệu cô ra Bệnh viện K Hà Nội, tại đây các bác sĩ kết luận cô bị bệnh ung thư vòm họng. “Khi biết bị căn bệnh ung thư quái ác này, mọi thứ như sụp đổ dưới chân tôi. Cầm bản kết luận trên tay, tôi vừa khóc, vừa đi lang thang như người mất hồn trên đường phố ở Hà Nội, lúc đó chẳng thiết sống nữa. Nhưng sau đó nghĩ lại, bố, mẹ đã già yếu và 4 người con cùng với các em học sinh ở quê nhà đang trông cậy cả vào mình, nếu có mệnh hệ gì thì mọi người phải làm sao đây. Nên mình quay trở lại bệnh viện xin kê đơn, mua thuốc rồi đón xe về quê tự điều trị…”, cô Hạnh tâm sự.
Cô Hạnh cho biết: “Căn bệnh quái ác này hành hạ bản thân ghê gớm, hàng ngày đau họng, đau đầu, ù tai, mệt mỏi… đi dạy lúc nào cũng phải mang theo bình nước sôi để uống giảm đau. Mấy năm trước, 3 tháng 1 lần đi Bệnh viện K Hà Nội chữa trị, nhưng gần đây phải chuyển sang 6 tháng mới đi 1 lần vì trong nhà không còn tiền nữa, vay mượn, chắt chiu được đồng nào còn phải lo cho các con học đại học và để cầm cự cứ 2 ngày lại mua thuốc về nhà tự tiêm 1 lần. Ngày trước anh Lê Văn Hòa (53 tuổi, chồng cô Hạnh) làm công nhân khai thác của lâm trường Trại Trụ, còn có đồng ra đồng vào. Nhưng nay anh làm tự do, ai thuê gì làm nấy, răng đây mai đó, cũng ốm đau thường xuyên. Còn tôi từ khi bị bệnh đến giờ đã vay mượn khắp nơi, thậm chí căn nhà ở ngoài thị trấn Hương Khê phải cầm cố để lấy tiền chữa bệnh, nhưng bệnh tình vẫn không hề thuyên giảm, hiện gia đình còn đang nợ gần 100 triệu đồng, biết đến bao giờ sẽ hoàn trả hết…”.
Người con đầu của vợ chồng cô Hạnh tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Vinh và đã đi làm, người con thứ 2 đang học Đại học Xây dựng năm thứ 4, còn 2 người con gái út sinh đôi cũng đang học Đại học Nông nghiệp Vinh và Đại học Sư phạm Đà Nẵng. “Ở Phú Lâm - chốn thâm sơn cùng cốc này gia đình mình vinh dự nhất vì có con học giỏi và đỗ đạt cao nhất, mọi người đều rất vui, tự hào. Nhưng với đồng lương giáo viên ít ỏi, chồng lại không có việc làm ổ định, nên việc lo cho các con ăn học lâu dài thật khó khăn lắm, trong khi đó còn phải nuôi ông ngoại 73 tuổi và bà ngoại 71 tuổi, nay ốm mai đau nữa. Giờ tôi chỉ nguyện cầu sao cho có đủ sức khỏe, đừng ngã quỵ để tiếp tục sứ mệnh dạy chữ cho các em học sinh, lo cho gia đình và con ăn học nên người”, cô Hạnh tâm sự.
Theo ông Trần Xuân Nguyên, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phú Gia, vừa qua Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ 20 triệu đồng cho gia đình cô Hạnh làm nhà ở tại thôn Phú Lâm. Sắp tới xã sẽ có những chính sách hỗ trợ thêm để góp phần giúp cô vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Còn thầy Nguyễn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Gia, cho biết, cô Hạnh là tấm gương sáng về nghị lực vươn lên trong cuộc sống để mọi người học tập. Hơn 14 năm qua, dù mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, gia đình con một, mẹ già bệnh tật, chồng không có việc làm, nhưng cô đã cáng đáng nuôi dạy 4 đứa con học đại học. Trừ thời gian đi viện, còn đến trường cô luôn tận tâm, tận tụy với học trò, chưa bao giờ thấy cô bi quan và luôn thân mật, gần gũi với mọi người, được tập thể nhà trường và địa phương cùng học sinh mến phục. Mong cho cô luôn được bình an, mạnh khỏe để tiếp tục bám lớp, bám trường dạy chữ cho con em vùng biên và là chỗ dựa vững chắc cho gia đình, con cái.
DƯƠNG QUANG