Nghi ngại tính khả thi của Luật Quy hoạch

Ngày 16-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch. Được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập hiện hành nhưng dự luật cũng gây nghi ngại về tính khả thi khi đụng chạm đến nhiều luật, quy hoạch hiện hành.
Nghi ngại tính khả thi của Luật Quy hoạch

Ngày 16-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch. Được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập hiện hành nhưng dự luật cũng gây nghi ngại về tính khả thi khi đụng chạm đến nhiều luật, quy hoạch hiện hành.

Ngăn ngừa xin - cho

Giải thích về những ý kiến còn khác nhau từ đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường về dự án luật, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, dự thảo luật đã trải qua quá trình xây dựng công phu, bài bản, tiếp thu ý kiến của các nhà chuyên môn, khoa học thông qua các cuộc hội thảo. Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng đã làm việc với tất cả các bộ trực thuộc Chính phủ khóa trước và nhận được sự đồng tình của 24/26 thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, do còn có 2 ý kiến khác nên Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ trước nói rằng nếu còn “lấn cấn” thì chưa đưa ra Quốc hội và cũng là cuối kỳ nên lùi lại. Ngay cả Bộ Tài nguyên - Môi trường, ở nhiệm kỳ trước có những ý kiến khác biệt nhưng sau khi trao đổi trực tiếp đã hiểu nhau hơn và có sự đồng thuận.

Nói về ý nghĩa của dự luật và tạo sự đồng thuận của các bộ, ông Đặng Huy Đông nói thêm, Bộ Công thương trước muốn giữ lại quy hoạch sản phẩm, ngành nhưng thực tế có những quy hoạch bất hợp lý. Ví dụ như Bộ Công thương có cả quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo. Trong kinh tế thị trường, nếu lấy quy hoạch để quy định quyền “anh này được làm, anh kia không được làm” là chưa đúng và có chăng chỉ là điều kiện chứ không thể là quy hoạch. Hay như quy hoạch cá tra, cá rô phi… Nhiều thứ quy hoạch sai lầm vì chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế thị trường mà ở đó nguồn lực không chỉ ở Nhà nước mà xã hội, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sản phẩm đó phát triển là yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Cá tra không chỉ Việt Nam sử dụng mà cả quốc tế, sản lượng sẽ không dừng lại con số hiện nay nếu tiếp thị sản phẩm, món ăn khác bởi khi đó nhu cầu cao hơn nhiều. Chính vì qua các phân tích như vậy, Chính phủ nhiệm kỳ trước và Chính phủ hiện nay đều đồng thuận cao là bỏ quy hoạch ngành, sản phẩm vì điều đó tạo ra rào cản nhiều cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, là cái cớ cho xin - cho”, ông Đông nói.

Cũng theo ông Đặng Huy Đông, nếu phương án quy hoạch tổng thể quốc gia được thông qua thì sau đó sẽ rà soát các quy hoạch hiện hữu và một hội đồng sẽ thẩm định các quy hoạch để giữ lại quy hoạch còn hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển. Quy hoạch chồng chéo, không phù hợp sẽ bỏ.

Thẩm tra về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến của ủy ban đồng ý với chủ trương loại bỏ các quy hoạch sản phẩm đang tồn tại hiện nay và các sản phẩm cụ thể sẽ được quản lý bằng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật. Điều này sẽ giúp bỏ được những loại giấy phép không phù hợp với kinh tế thị trường, là bước đột phá, giải pháp quan trọng thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh. Cũng theo ông Vũ Hồng Thanh, đa số ý kiến thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí lựa chọn phương án quy hoạch tổng thể quốc gia được lập theo phương pháp tích hợp, đa ngành, mang tính định hướng, dự báo và phát triển bền vững, khắc phục được tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ, thiếu liên kết giữa các quy hoạch…

Trong hình Kênh Tân Hóa - Lò Gốm sau khi chỉnh trang. Ảnh minh họa

Lo đụng chạm, xung đột

Dẫn các đánh giá về quy hoạch hiện nay nhiều bất cập, thiếu tầm nhìn, lại bị chi phối bởi 70 luật, pháp lệnh, hàng trăm nghị định, hơn 19.000 quy hoạch, chi phí hơn 8.000 tỷ đồng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, dự luật này là cần thiết. Tuy nhiên, ông Lưu cũng băn khoăn phạm vi luật này quy định gì? Luật nội dung hay hình thức? “Tôi hình dung đây là luật hình thức vì không thể thay thế tất cả các luật chuyên ngành. Ví dụ như Luật Đất đai đã có quy hoạch. Luật này ra đời đảm bảo kỷ cương, chặt chẽ, hiệu quả hơn thì dễ thống nhất quan điểm với nhau hơn”, ông Uông Chu Lưu chia sẻ quan điểm về những ý kiến còn khác nhau về dự thảo luật.

Trước việc dự thảo luật Chính phủ trình nhưng Bộ trưởng Bộ Xây dựng vẫn còn có văn bản gửi UBTVQH về việc chưa đồng ý với các phương án được xây dựng trong dự thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, dù đã làm Quốc hội 5 khóa nhưng ít gặp trường hợp Chính phủ trình dự luật mà một bộ trưởng không đồng ý. Do vậy, trên quan điểm thận trọng, theo bà Tòng Thị Phóng, ban soạn thảo cần phải lắng nghe để thuyết phục nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, về nguyên tắc, nếu theo luật này thì những quy định trong Luật Đất đai về quy hoạch tỉnh, huyện sẽ không còn mà chỉ còn quy hoạch vùng, liên vùng; rồi xung đột thẩm quyền của các cơ quan như Chính phủ, Quốc hội trong việc phê duyệt quy hoạch… Đụng chạm, xung đột pháp luật rất phức tạp. Do đó, về nguyên tắc, luật này không thể bắt các luật khác theo mà phải tôn trọng các luật đã thực hiện ổn định, chỉ điều chỉnh các luật có bất cập. Tuy nhiên, ông Định cũng thừa nhận, xây dựng Luật Quy hoạch là khó vì vừa có hình thức vừa có nội dung. Do đó, nên làm như cách của Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư… là ngoài nguyên tắc chung thì tôn trọng một số điều khoản chuyên ngành.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ rà soát lại dự luật này, điều chỉnh nội dung, hình thức văn bản hay cả hai nhưng nên theo hướng đề ra nguyên tắc, còn cụ thể để các luật chuyên ngành khác vì nếu không sẽ dễ xung đột. 

 Quy định trường hợp nổ súng cần cụ thể

Chiều 16-9, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Theo tờ trình, sau hơn 4 năm tổ chức triển khai thi hành Pháp lệnh công tác quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước trong tình hình mới.

Báo cáo thẩm tra dự án luật của Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết, về quy định nổ súng, một số ý kiến cho rằng, quy định nổ súng như dự thảo chưa cụ thể, còn chung chung khó vận dụng trong thực tiễn; một số trường hợp cụ thể người thi hành công vụ không thể nhận biết. Do đó đề nghị quy định tiêu chí cụ thể, rõ ràng hơn; đồng thời đề nghị cân nhắc việc mở rộng tình huống nổ súng (đối với đối tượng phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng…) để quy định phù hợp với chính sách xử lý hình sự. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, báo cáo tổng kết 4 năm thi hành pháp lệnh chỉ thiên về tổng kết quản lý nhưng kết quả tổ chức thực hiện thì chưa có và cũng chưa có đánh giá về sử dụng như thế nào, nhất là các trường hợp nổ súng thời gian qua có vấn đề gì không.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục