Nghi ngại về cơ chế mới

28 nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sau cuộc họp thượng đỉnh ở Brussels hôm 19-12 đã nhất trí về thỏa thuận liên minh ngân hàng nhằm tránh xảy ra một cuộc khủng hoảng mới trong khu vực đồng EUR.

Theo thỏa thuận trên, Cơ chế giải quyết duy nhất (SRM) sẽ được thành lập gồm các thành viên chuyên giám sát hệ thống ngân hàng, xử lý các trường hợp phá sản có thể xảy ra đối với các ngân hàng tại các nước thuộc eurozone. Đây là nền tảng của một tổng thể các biện pháp có thể giúp các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu tránh được khủng hoảng trong tương lai.

SRM sẽ quyết định xem một ngân hàng gặp khó khăn sẽ được cứu vớt hay để cho phá sản. Đối với nhiều người, đây là nền tảng của hệ thống pháp luật được châu Âu xây dựng từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra, nhằm tránh các vụ phá sản như của Dexia hay Fortis khiến từ khủng hoảng ngân hàng trở thành khủng hoảng nợ.

Ông Michel Barnier, ủy viên châu Âu phụ trách về tài chính cho rằng các ngân hàng phải được giám sát kỹ lưỡng hơn, không thể tự thưởng cho mình những món tiền khổng lồ để rồi cuối cùng người dân đóng thuế phải trả giá cho những nguy cơ đó. Cũng theo cơ chế này, để đảm bảo các ngân hàng có thể tự chi trả, mỗi ngân hàng phải thành lập quỹ khẩn cấp của riêng mình.

Nói cách khác, chính hệ thống ngân hàng tự giải quyết vấn đề của mình, giúp bảo vệ người đóng thuế và tiền gởi tiết kiệm của họ. Trong vòng 10 năm tới, quỹ cứu trợ ngân hàng này sẽ phải đạt mức 55 tỷ EUR.

Hãng tin AFP dẫn lời Tổng thống Pháp Francois Hollande lạc quan cho rằng “Người nộp thuế châu Âu, người nộp thuế Pháp rồi đây sẽ không phải đóng góp bất cứ thứ gì nếu có một cuộc khủng hoảng tài chính”. Còn Thủ tướng Ý Enrico Letta thì nói cơ chế mới về ngân hàng của EU là “một bước tiến lớn”. Các quan chức EU hy vọng SRM có thể được Nghị viện châu Âu thông qua trước khi nhiệm kỳ hiện nay hết hạn vào tháng 5-2014 để tránh sự chậm trễ kéo dài.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nghi ngại về hiệu quả của SRM. Theo ông Daniel Gros thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách EU: “Cơ chế mới còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết”.

Ông Gros cho rằng SRM không đầy đủ khả năng đẩy lùi một cuộc khủng hoảng tài chính thực sự lớn như cuộc khủng hoảng 2007-2008. Ông nói: “Bất kỳ quỹ tái cơ cấu nào chỉ có thể là một cách sơ cứu với một sự cố duy nhất, còn một cuộc khủng hoảng hệ thống luôn luôn đòi hỏi phải có một sự hỗ trợ tài chính lớn hơn, lên đến hàng trăm tỷ EUR”. Ông Alessandro Leipold thuộc Hội đồng cố vấn kinh tế Lisbon nghi ngại về khả năng SRM có thể ra quyết định giải quyết các cuộc khủng hoảng ngân hàng.

Chưa hết, EU vẫn còn chưa tìm được tiếng nói chung là khi nào một ngân hàng cần phải được SRM xem xét giải cứu hay cho phá sản và căn cứ trên tiêu chuẩn nào. Đức ủng hộ cơ chế cho phép chính phủ có ngân hàng đó ra quyết định cuối cùng trong SRM trong khi Pháp tin rằng Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, nên chịu trách nhiệm.

Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển Anders Borg cảnh báo liên minh ngân hàng không phải là một viên đạn kỳ diệu. “Đây có vẻ là... một liên minh ngân hàng phức tạp. Nó sẽ không tạo ra một sự tự tin nào cho sự phục hồi của nền kinh tế châu Âu”, ông nói.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục