Đã bước vào học kỳ hai của năm học hơn một tháng nhưng nhiều học sinh vùng biển, miền núi và ngay ở những làng nổi tiếng hiếu học, học sinh nghỉ tết rồi… nghỉ học luôn. Nhà trường, gia đình dù tích cực vận động các em quay lại lớp nhưng các em vẫn nghỉ học.
Ba mẹ nói cũng... bất lực
Thầy Hồ Thanh Chương (giáo viên Trường Tiểu học Trà Lãnh, Tây Trà, Quảng Ngãi) là người dân tộc thiểu số nên rất hiểu chuyện các em học sinh của mình phải bỏ học. “Do điều kiện kinh tế quá khó khăn, mùa này là mùa đót nên các em vắng học để đi chặt đót bán lấy tiền phụ giúp cha mẹ. Cũng động viên các em rất nhiều nhưng do địa hình phức tạp, nhà các em ở cách xa trường quá nên không lên lớp được”. Ông Lê Hoài Thạnh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Sơn Tây điềm nhiên hơn, bởi ông đã quá hiểu vấn đề này trong hàng chục năm làm quản lý giáo dục ở đây: “Chuyện thường ngày ở huyện ấy mà! Sau tết, học sinh không bỏ học mới lạ. Giáo viên chúng tôi phải trực tiếp đến từng nhà để vận động các em tới trường cũng là chuyện... bình thường”. Rồi ông Thạnh kể: “Sau Tết Giáp Ngọ chúng tôi huy động thầy cô giáo tới từng gia đình để động viên, nhắc nhở các em phải đi học, có thầy phải chở các em tới trường trước một ngày. Làm như vậy để bà con thấy được tầm quan trọng của việc học vậy mà các em vẫn cứ… bỏ học”.
Việc bỏ học không chỉ diễn ra ở miền núi, ngay các xã miền biển cũng đau đầu sau khi nghỉ tết, các em… nghỉ học luôn. Trường THCS Nghĩa An (huyện Tư Nghĩa) là điểm “nóng”. Cô Trương Thị Thu - giáo viên chủ nhiệm lớp 7D, nói: “Cứ sau tết là lớp lại vắng vài em. Dù trước đó, mình đã động viên, ra sức kèm cặp các học sinh yếu, kém có ý định bỏ học. Các em này nghỉ học không phải vì gia cảnh mà chủ yếu ham chơi, đua đòi theo bạn bè đã nghỉ học trước đó”. Theo chân thầy giáo Kiều Quang Huy - giáo viên chủ nhiệm lớp 9A đến nhà 5 học sinh có ý định bỏ học. Thấy thầy đến nhà, em Lê Thị Hồng Thơ đã lẻn ra phía sau tránh mặt. Tiếp chúng tôi, mẹ của Thơ - chị Võ Thị Beo, thút thít bảo: “Nói rồi nhưng nó không nghe. Cháu bảo, ba má có nói gì thì con cũng nghỉ, con quyết định rồi!”. Trước sự bất lực của phụ huynh, thầy Huy động viên: “Chị và anh cố gắng khuyên giải cháu, đã tốn 9 năm đèn sách, còn mấy tháng nữa em sẽ tốt nghiệp THCS. Thơ học khá, vừa qua điểm tổng kết 6.5 lận đó. Em nghỉ ngang thế này, thầy cô tiếc lắm!”
Ông Trần Hữu Tháp, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, so với các năm trước, năm nay tình trạng học sinh bỏ học đã giảm hơn rất nhiều, nhưng rất khó có thể hạn chế triệt để. “Nhà nước đã có nhiều chính sách cho các em học sinh đồng bào dân tộc, tạo điều kiện cho các em đến trường. Bây giờ trách nhiệm của ngành GD-ĐT vẫn phải kiên trì vận động các em ra lớp”.
Huyện hiếu học cũng bỏ học
Huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) địa phương vốn nổi tiếng với truyền thống hiếu học, nhiều nhà nho đã từng thi đậu tiến sĩ, khoa bảng và ra làm quan dưới thời nhà Nguyễn; nhiều cán bộ, giảng viên hiện đang sống và làm việc tại các thành phố lớn của cả nước. Nhưng từ sau tết, ngành quản lý giáo dục ở đây cũng bất ngờ khi cả gần trăm học sinh các cấp bỏ học, tăng mạnh hơn năm ngoái. Ông Nguyễn Quang Thận, Phó phòng GD-ĐT huyện cho biết, đây là vấn đề nhức nhối không chỉ đối với lãnh đạo phòng, các trường học, mà cả chính quyền địa phương. Theo ông Thận, nguyên nhân các em tự ý bỏ học phần lớn do học lực yếu, thích học nghề hơn. Hơn nữa, tâm lý khi thấy các anh chị cùng làng đi làm ăn xa, sau tết về quê có chút tiền vừa hỗ trợ gia đình, vừa chi tiêu cá nhân, nên các em cũng mong được đi học nghề để kiếm tiền.
“Để ngăn chặn học sinh bỏ học, chúng tôi đã thông báo với chính quyền địa phương phối hợp cùng thầy cô và ban giám hiệu các trường đến tận nhà tìm hiểu lý do và vận động các em quay trở lại trường lớp. Qua động viên gia đình và trực tiếp một số học sinh đã tự nguyện đi học trở lại hoặc đi học chuyên cần hơn. Đơn cử như, Trường THCS Phong Hòa có 19 em tự ý bỏ học, qua vận động của giáo viên chủ nhiệm, lãnh đạo nhà trường, hội phụ huynh, nay đã có 5 em đi học lại; Trường THCS Phong Chương có 8 em bỏ học, nay vận động 7 em đi học trở lại…” - ông Thận nói thêm.
Một cán bộ đang làm việc tại huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, một số đối tượng thường rủ học sinh bỏ học đi làm từng xảy ra năm trước, bị chính quyền, công an địa phương cảnh cáo. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tái diễn. Đội quân môi giới lao động trẻ em là người địa phương, lùng sục, gạ gẫm học sinh. Không chỉ gạ gẫm phụ huynh, cò mồi tiếp cận trực tiếp học sinh, đặc biệt những em có thói quen đua đòi, dụ dỗ đưa vào Nam. Một học sinh bỏ học kéo theo nhiều trường hợp khác. Ngoài ra, học sinh bỏ học còn xuất phát từ nhận thức hạn hẹp của phụ huynh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa với nhận thức là cho con cái học đủ cái chữ là đủ. Học cao hơn cũng chẳng để làm gì.
| |
HÀ MINH - VĂN THẮNG