Nghị trường không phải là nơi… ẩn mình

>>
Nghị trường không phải là nơi… ẩn mình

>> Nâng chất hoạt động HĐND TPHCM - Cách nào? Bài 1: Nâng tầm bộ máy

Từng là đại biểu HĐND TPHCM khóa VI và VII, ông Đặng Văn Khoa cho rằng đại biểu dân cử phải là những người dám nói thẳng, nói thật, không nể nang, né tránh, phải vì lợi ích của người dân thành phố mà thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời cũng phải xác định rõ: Nghị trường không thể và không phải là nơi mãi là chỗ học việc, tới đâu hay đó, “ẩn mình trong đám đông”!

Hiểu rõ dân cần gì

Khẳng định chất lượng đại biểu có vai trò quyết định quan trọng làm nên chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử, theo ông Khoa, người đại biểu HĐND cần phải luôn có óc “hoài nghi khoa học”, phản biện để góp ý cũng như quyết định các vấn đề ở nghị trường, nhưng đồng thời cũng phải có nghĩa khí để thẳng thắn, không e ngại, vượt qua sự “nể nang” để nói lên những điều cần phải nói, để bảo vệ cái đẹp, đấu tranh với cái xấu. Đây là một nhiệm vụ vô cùng hạnh phúc nhưng cũng vô cùng vất vả, căng thẳng và phức tạp.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm trao đổi cùng các đại biểu HĐND TPHCM tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng tình với ý kiến này, Phó trưởng phòng Công chứng số 2 Lê Ngọc Tình cũng cho rằng đại biểu HĐND là nguồn gốc của mọi vấn đề liên quan đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Bên cạnh việc đảm bảo về mặt số lượng, trình độ am hiểu pháp luật, người đại biểu dân cử cần phải có năng lực, bản lĩnh và trách nhiệm khi thực hiện các nhiệm vụ được người dân giao, đồng thời phải có có cái nhìn sáng suốt, phương pháp làm việc khoa học, hợp lý, dám nói thẳng, nói thật, không nể nang, né tránh, phải vì lợi ích của người dân thành phố mà thực hiện nhiệm vụ.

Cũng theo ông Tình, TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước nên vai trò của người đại biểu đại diện cho người dân rất quan trọng. Đó phải là những người có đầu óc tiếp cận được tư tưởng, tri thức mới của thế giới nhiều hơn, đồng thời phải hiểu rõ mình chính là người đại diện cho nguyện vọng người dân. Người dân cần cái gì, thiếu cái gì, mong muốn điều gì thì người đại biểu dân cử phải nhận thức được, hiểu rõ và thúc đẩy để đáp ứng. TPHCM đã và đang gia nhập các tổ chức quốc tế thì đòi hỏi bản thân người đại biểu dân cử càng phải thể hiện được năng lực, chuyên nghiệp, có các kỹ năng thẩm định luật để sáng suốt phân tích rõ cái được - mất trong các chính sách để từ đó có các đề xuất, tham mưu, tư vấn cụ thể, thiết thực để phụng sự người dân thành phố ngày càng có chất lượng sống tốt hơn.

Dũng cảm nói lên tiếng nói của dân

Cũng gửi gắm nhiều mong mỏi, Phó ban Tuyên giáo Đảng ủy Tổng Công ty Điện lực TPHCM Phạm Văn Thảo cho rằng mỗi đại biểu khi đã được cử tri tin tưởng, bỏ lá phiếu thì cần ý thức được vinh dự và trách nhiệm lớn lao của mình trước cử tri, trước sự phát triển của thành phố.

Theo ông Thảo, đại biểu HĐND khóa tới phải thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu cử bầu ra mình, thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri. Người đại biểu HĐND phải chuẩn bị cho mình nhiều thứ nhưng quyết định nhất vẫn là nói được tiếng nói người dân về các vấn đề HĐND sẽ thảo luận và quyết định tại nghị trường. “Chất liệu” mà đại biểu HĐND có được chính là sự góp nhặt từ việc tiếp xúc cử tri và thông qua hoạt động thực tiễn của mình. Có thể nói việc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp cũng chính là việc khảo sát ý kiến người dân về những chính sách mà HĐND chuẩn bị ban hành, hay nói cách khác đây là hình thức đại biểu HĐND tham vấn ý kiến của cử tri. Việc khảo sát này càng kỹ lưỡng thì việc thu thập ý kiến được sẽ thể hiện đầy đủ ý chí nguyện vọng của nhân dân, nếu làm không tốt thì khó tránh khỏi hiện tượng quyền lực của dân chưa được thể hiện một cách đầy đủ. “Trọng trách của người đại diện nhân dân thể hiện ở chỗ phản ánh cho được ý chí nguyện vọng của người bầu ra mình, như vậy, mới làm đúng vai trò của người đại diện”, ông Thảo nhấn mạnh.

Còn với bạn Nguyễn Thị Thu Hương, sinh viên khóa K2000, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, đại biểu dân cử hoạt động hình thức hay thực chất phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Qua thực tiễn cho thấy, sau mỗi nhiệm kỳ hoạt động, hầu hết các đại biểu đều được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ. Tiêu chí nào để đánh giá hoạt động của đại biểu thì quả thật khó trả lời, nhưng không có nghĩa không có cơ sở để đánh giá. Hiệu quả hoạt động của đại biểu dân cử dễ nhìn thấy nhất qua thực hiện chức năng đại diện. Đó là việc đại biểu lắng nghe ý kiến cử tri, phản ánh ý chí, nguyện vọng của cử tri tại diễn đàn kỳ họp, cũng như thông qua các hình thức giám sát để thực hiện chức năng quyết định. Đặc biệt, cần tham gia giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện 7 chương trình đột phá của thành phố, bởi các chương trình này liên quan trọng yếu đến chất lượng sống của người dân trên địa bàn.


VÂN ANH - HỒNG HIỆP - ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục