Trong khi nhiều nước còn ngần ngại, thậm chí có nước còn từ chối đưa nhân viên y tế đến hỗ trợ các quốc gia bị dịch bệnh Ebola hoành hành, thì quyết định của lãnh tụ Cuba Fidel Castro cử thêm gần 300 bác sĩ và y tá đến giúp Liberia và Guinea một lần nữa cho thấy nghĩa cử cao đẹp của đảo quốc xinh đẹp này.
Hồi đầu tháng 10 vừa qua, Chính phủ Cuba cũng đã cử một nhóm gồm 165 bác sĩ và y tá đến quốc gia Tây Phi Sierra Leone. Với việc cam kết cử thêm 300 chuyên gia y tế đến tuyến đầu của dịch bệnh Ebola lần này, Cuba đang đóng vai trò rất tích cực trong số các nước đang tham gia vào công cuộc đẩy lùi loại virus chết người này. Sự chủ động lao vào vùng dịch của đội ngũ y tế Cuba không chỉ nhận được những lời tán thưởng hiếm có từ giới chức Mỹ, mà còn cả báo chí Mỹ trong những ngày qua. Báo New York Times của Mỹ viết rằng: “Trong khi Mỹ và một số nước giàu có khác sẵn sàng hứa hẹn tài trợ thì chỉ có Cuba và một số ít tổ chức phi chính phủ đang hỗ trợ điều cần thiết nhất, đó là các chuyên gia y tế trong lĩnh vực này”. Báo Washington Post nhận định: “Nếu cộng đồng quốc tế bị chỉ trích đang giậm chân tại chỗ trong cuộc khủng hoảng Ebola, thì Cuba, một quốc gia chỉ 11 triệu dân và vẫn còn chịu sự cấm vận của Mỹ, đã nổi lên như một nhà cung cấp quan trọng đội ngũ chuyên gia y tế cho vùng dịch ở Tây Phi. Cuba, đất nước có GDP bình quân trên đầu người khoảng 6.051 USD, chưa bằng 1/6 GDP bình quân trên đầu người của Anh, nhưng sự dấn thân của Cuba vượt xa hơn cả những quốc gia giàu có”. Hầu hết các báo chí Mỹ ủng hộ lời kêu gọi của lãnh tụ Cuba Fidel Castro về việc hai nước nên gạt sang một bên những bất đồng để có thể hợp tác chống mối đe dọa toàn cầu này.
Trong bài phát biểu ca ngợi sự dũng cảm của những nhân viên y tế đang đương đầu với thách thức Ebola, Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry kêu gọi chính quyền Mỹ cần hợp tác với Cuba, nên tạo điều kiện cho các chuyên gia y tế Cuba được tiếp cận với trung tâm điều trị mà Lầu Năm Góc xây dựng ở Monrovia, cũng như hỗ trợ việc sơ tán.
Cuba có truyền thống cử bác sĩ và y tá đến các khu vực bị thảm họa ở nước ngoài. Hiện có khoảng 50.000 bác sĩ và y tá Cuba công tác tại 66 quốc gia trên thế giới, trong đó có hơn 4.000 người ở 32 quốc gia châu Phi. Năm 2010, các bác sĩ Cuba được cho là đi đầu trong điều trị các bệnh nhân bị dịch tả sau trận động đất xảy ra ở Haiti. Một số bác sĩ khi về nước đã bị bệnh và khiến hòn đảo này xuất hiện dịch tả lần đầu tiên trong một thế kỷ qua. Cuba luôn hành động như vậy trước những đề nghị hợp tác về y tế và nhân đạo mà không suy tính tới bất cứ sự thiệt hơn nào. Các nhân viên y tế Cuba sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu với tinh thần và nỗ lực cao nhất để cứu người cho dù có phải hy sinh tính mạng. Đó là tấm gương cao cả về tình đoàn kết, đặc biệt khi việc làm đó không liên quan đến lợi ích vật chất mà chỉ giúp ngăn chặn dịch lây lan.
Điều đó cho thấy một Cuba còn nhiều khó khăn, phần lớn vẫn còn bị tách biệt với thế giới do lệnh cấm vận của Mỹ, đã gạt sang một bên những bất đồng kéo dài hơn nửa thế kỷ qua với Mỹ để xông pha ra tuyến đầu. Một tinh thần tương thân tương ái, trên hết là vì đại cuộc.
HẠNH CHI