Nghĩa cử của người làm cha

Thế giới đã có những thay đổi tích cực sau cuộc cách mạng bình đẳng giới, khi vai trò của người phụ nữ trong gia đình, sự đóng góp cho xã hội và sự nghiệp của họ được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, vai trò của người cha cũng thay đổi theo chiều hướng tích cực. 

Tại Việt Nam, tuy vai trò của người cha trong việc nuôi dạy con, nhất là ở giai đoạn dưới 6 tuổi còn khá mờ nhạt nhưng cũng đã xuất hiện nhiều dấu hiệu của sự thay đổi mạnh mẽ.

Làm cha cũng phải học

Theo một nghiên cứu của Viện Giáo dục Shichida Việt Nam (một tổ chức chuyên nghiên cứu về giáo dục của Nhật Bản, có chi nhánh tại Việt Nam) cho thấy, có đến 95% số phụ huynh khi đến viện để học cùng con là mẹ. Từ thực tế này, năm 2015, viện đề xướng chương trình “Có ba ở đây” với mục tiêu tạo nên sự chú ý của người cha trong việc giáo dục con cái, nhất là ở lứa tuổi nhi đồng. 

Các chương trình học gắn kết người cha với con đã cho kết quả khả quan khi là thay đổi không chỉ kiến thức mà cả tinh thần của người cha, mặt khác, thực tế cũng cho thấy một số trẻ có sự tiếp thu kiến thức tốt hơn hẳn khi học cùng cha bên cạnh. Đây là một yếu tố quan trọng bởi nó cho thấy việc có nhiều trẻ thích mẹ bên cạnh trong khi những trẻ khác lại muốn có cha, việc dồn hết cho người mẹ không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả tích cực. Đến nay, từ 5% ban đầu, đã có gần 50% phụ huynh đến học với con tại Việt Nam là người cha.

Việc người cha có ảnh hưởng tích cực đến tương lai, định hướng của con là điều đã không còn cần phải tranh luận thêm. Nhưng làm thế nào để tầm vóc của những chỉ dạy và ảnh hưởng của người cha mang lại hiệu quả tốt, góp phần đem lại thành công cho con thì lại không phải là một chuyện dễ dàng.

Nghĩa cử của người làm cha ảnh 1 Từ tận đáy lòng, trẻ mong có được sự nhìn nhận và tôn trọng từ cha
Những ngày qua, câu chuyện về cầu thủ bóng đá Nguyễn Anh Đức được nhắc đến rất nhiều. Cùng lứa với những tên tuổi như Văn Quyến, Công Vinh… nhưng Anh Đức nổi lên khá chậm. Gia đình tương đối khá giả nên khi thấy con vất vả tập luyện, khó khăn, người mẹ thương con nên đã ngăn cản và có lúc Anh Đức cũng nản lòng. Khi đó, dù như sau này thừa nhận cũng không trông chờ lắm nhưng người cha của Anh Đức lại ủng hộ con đi tiếp con đường đã lựa chọn với quan niệm dù thành công hay không cũng không hối tiếc.

Câu chuyện thủ môn Đặng Văn Lâm cũng là một ví dụ cụ thể, cha của thủ môn mang hai dòng máu này là nghệ sĩ múa Đặng Văn Sơn và khi thấy con bị bắt tập luyện quá nhiều, có người khuyên chọn con đường khác. Ông đã tâm sự với con rằng ông chẳng biết gì về bóng đá cả nhưng nghề nào cũng có vất vả của nó. Bản thân ông khi theo nghề diễn viên múa, suốt 7 năm ròng rã chỉ tập đi tập lại một động tác xoạc, nâng chân đến mức mà cậu bé Sơn khi đó còn tưởng rằng múa ballet chỉ có mấy động tác đó thôi.

Sự thay đổi cách nhìn nhận của người cha và sự tham gia tích cực hơn trong việc nuôi dạy con ngay từ lứa tuổi ấu thơ có thể mang lại hiệu quả tích cực ngay tức khắc chứ không cần phải như quan niệm của nhiều người “chờ con lớn thêm chút nữa”.

Điều cha dạy con

Nền tảng cơ bản trong việc nuôi dạy con là ở gia đình, không phải là trường học hay xã hội và trong đó, cả cha và mẹ đều đóng vai trò quan trọng nhất trong việc hình thành những nhân cách đầu tiên của trẻ. Người cha dạy dỗ con bằng sự nghiêm khắc còn người mẹ dùng sự dịu dàng để cho con hiểu được lời dạy dỗ của người cha, tránh hiểu lầm về sự nghiêm khắc đó.

Với các nền giáo dục như Bắc Âu, Nhật… dù khác biệt về văn hóa nhưng có một điểm chung là cùng có một sự thống nhất về những điều mà người cha dạy con trong những năm tháng đầu đời. Đầu tiên, là sự kính trọng. Đây là một khái niệm vừa đơn giản do trẻ rất dễ nhận thấy trong cuộc sống nhưng lại rất khó chuyển tải bởi trẻ sẽ không hiểu bản chất của chuyện kính trọng.

Do sự mềm mại của người mẹ, việc giáo dục khái niệm này cho trẻ gặp nhiều khó khăn hơn so với người cha. Thế nhưng, ngoài chuyện dạy cho trẻ, bản thân người cha cũng là một tấm gương, sẽ rất khó để dạy trẻ sự kính trọng khi bản thân người cha không tạo được sự kính trọng hay không có được sự kính trọng với người khác.

Tính kiềm chế là một điều quan trọng mà người cha có thể dạy cho trẻ. Những đứa trẻ được dạy kiềm chế bản thân sẽ không quá thất vọng khi mong muốn của chúng không được thỏa mãn. Ở đây, cả hai yếu tố kỷ luật và yêu thương được cho là phải song hành với nhau, bởi kỷ luật thái quá mà thiếu yêu thương lại dẫn đến việc trẻ thiếu đi tính kiên nhẫn.

Yêu thương cũng chính là điều khó khăn nhất của các ông bố khi thể hiện với con. Bởi nếu tình yêu của mẹ rất dễ để đứa trẻ nhận ra thì cách yêu thương của người cha đôi khi lại không dễ để trẻ hiểu được. Chính vì vậy, lời khuyên được các chuyên gia đưa ra là người cha hãy cho con thấy sự nghiêm khắc xuất phát từ tình thương vào thời điểm thích hợp nhất. Và một điều không thể quên, mối quan hệ vợ chồng tốt đẹp cũng là môi trường tốt nhất để dạy con sự yêu thương.

Tạo cho trẻ sự hứng thú là một trong những điều mà người cha dễ chuyển tải cho con nhất, bởi có nhiều niềm hứng thú đòi hỏi sự làm gương của cha mẹ. Với kiến thức của mình, dù nhiều khi không phải ở lĩnh vực trẻ đang hứng thú nhưng những câu chuyện mộc mạc sẽ nuôi dưỡng niềm cảm hứng của trẻ hơn nhiều so với những cuốn truyện tranh.
Việc khơi dậy tính sáng tạo của trẻ trong khi nuôi dạy được xem là vấn đề quan trọng nhất của thế kỷ 21 mà muốn làm như vậy việc đầu tiên là phải xây dựng ở trẻ một “tính cá nhân” tích cực. Trẻ nếu thiếu đi tính cá nhân sẽ dễ bị cuốn theo những điều không phải là sở trường, đam mê của trẻ. Cũng vì thế, việc tìm kiếm cá tính của trẻ đặt nặng lên phụ huynh khi cho trẻ làm điều trẻ thích và không nên lúc nào cũng chỉ nhìn vào khuyết điểm.

Khát vọng là một trong những điều quan trọng nhất đối với một con người và càng quan trọng hơn khi xây dựng khát vọng ở một đứa trẻ. Thế nhưng, đánh thức khát vọng ở trẻ lại là một trách nhiệm tiên quyết đối với người cha, người mẹ. Là một người cha, ngay từ khi chuẩn bị có con bạn đã phải đặt ra câu hỏi, bạn mong muốn con mình phát triển như thế nào? Có lẽ điều đơn giản nhất mà phụ huynh có thể chuyển tải cho con là dạy cho trẻ ý chí làm những điều có ích cho thế giới. Khát vọng sẽ nảy sinh từ học tập, và điều quan trọng là ít nhất, chúng ta đã dạy trẻ có được khát vọng tích cực cho cuộc sống tương lai.

Cuối cùng là giấc mơ của trẻ. Có thể nói sự tin tưởng của cha mẹ sẽ nuôi dưỡng giấc mơ của trẻ. Điều quan trọng là cha mẹ cần học cách để thấu hiểu sự thay đổi trong tâm hồn của trẻ, dành cho trẻ sự nhìn nhận và lắng nghe, học cách tin tưởng ở trẻ. Ở đây vai trò người cha rất quan trọng bởi theo khảo sát, giấc mơ cao nhất của một đứa trẻ thường là có được sự công nhận của người cha.

7 nghĩa cử của người làm cha là công trình nghiên cứu về giáo dục của GS-TS Makoto Shichida (1929-1990), một nhân vật uy tín lớn và nhà giáo dục tiên phong trong lĩnh vực giáo dục sớm ở Nhật Bản.\

Ông là tác giả của hơn 160 cuốn sách và nhận được rất nhiều giải thưởng tại Nhật Bản cũng như quốc tế cho những đóng góp của mình đối với lĩnh vực giáo dục sớm. 7 nghĩa cử của người làm cha là một trong những cuốn sách quan trọng nhất của ông, chỉ ra vai trò cũng như cách thức để người cha có thể dạy con mình trở thành con người có ích cho xã hội, đồng thời có được cuộc sống hạnh phúc. Sách do NXB Kim Đồng và Viện Giáo dục Shichida Việt Nam thực hiện.

Tin cùng chuyên mục