Nghĩa cử của người thợ sửa xe

Gần một năm nay, trên góc đường Nguyễn Thị Minh Khai - Cống Quỳnh (quận 1, TPHCM) xuất hiện tấm bảng treo trên bình bơm hơi, ghi rõ nội dung: “Bơm vá sửa miễn phí cho người tàn tật”.
Nghĩa cử của người thợ sửa xe

Gần một năm nay, trên góc đường Nguyễn Thị Minh Khai - Cống Quỳnh (quận 1, TPHCM) xuất hiện tấm bảng treo trên bình bơm hơi, ghi rõ nội dung: “Bơm vá sửa miễn phí cho người tàn tật”.

Chủ nhân tấm bảng ấy là anh Phạm Văn Lương, 47 tuổi, nhà trọ ở đường Bàn Cờ (quận 3). Từ Quảng Ninh vào TPHCM lập nghiệp, nghề nghiệp chính của anh Lương là mưu sinh bằng việc sửa xe ở lề đường hơn 20 năm nay. Tấm bảng “Bơm vá sửa miễn phí cho người tàn tật” mới chỉ xuất hiện gần một năm nay nhưng thực ra việc sửa, bơm vá xe cho người khuyết tật được anh làm từ lúc mới vào nghề.

Anh Lương bên chiếc bình bơm hơi có treo bảng.

Anh Lương bên chiếc bình bơm hơi có treo bảng.

Mỗi lần sửa xe, người khuyết tật cũng đều trả tiền như bao người khác nhưng anh Lương đều từ chối nhận tiền công, chỉ lấy tiền vốn mua phụ kiện, đồ nghề sửa xe. Có người khuyết tật bán vé số gửi tờ vé số thay tiền công, anh Lương nhận nhưng gửi lại họ giá trị tiền vé số.

Cũng xuất thân từ nghèo khó, việc kiếm đồng tiền với người lao động bình thường đã vất vả nhưng với người khuyết tật còn khó khăn hơn nhiều. Vì thông cảm, thấu hiểu lẽ ấy nên anh Lương chưa bao giờ lấy tiền sửa, bơm vá xe của người khuyết tật.

“Có nhiều người không may bị khuyết tật khiến cuộc sống khó khăn nên mình chẳng nỡ lấy tiền công sửa, bơm vá xe. Đồng tiền cũng chẳng đáng bao nhiêu nhưng với một người khuyết tật bán vé số chẳng hạn thì rất đáng quý. Mình giúp cho họ, mong họ có thêm niềm vui để tiếp tục phấn đấu trong cuộc sống”, anh Lương chia sẻ. Thêm vào đó, những người thợ sửa xe rất ngại khi tiếp xúc với xe lăn, nhất là xe đạp, xe ba bánh.

Theo lời anh Lương thì xe máy ba bánh nặng, thợ sửa xe kê, lật xe khi sửa rất mệt sức nên họ ngại sửa. Anh Lương chia sẻ: “Người khuyết tật hay kể với tôi, họ đi sửa xe mười nơi thì đến bảy nơi từ chối làm vì ngại. Ngay cả trong chuyện sửa xe họ cũng bị thiệt thòi nên mình giúp người ta. Một lần bơm, sửa tiền công chẳng đáng bao nhiêu; uống ly cà phê cũng hết mà”.

Không chỉ giúp đỡ người tàn tật, với những cụ già, em bé nghèo khó chẳng may lúc xe hết hơi, xẹp lốp... cũng đều được anh Lương giúp đỡ không công nhiệt tình.

Việc anh Lương sửa xe miễn phí cho người tàn tật dù đã lâu nay nhưng không phải ai cũng biết đến. Những người từng được anh Lương không lấy tiền công sửa xe gợi ý đặt tấm bảng cho nhiều người khuyết tật biết đến, để họ đỡ phải nhọc sức đi nhiều tiệm vì bị từ chối sửa xe. Từ đó, tấm bảng và người thợ sửa xe trở thành hình ảnh quen thuộc ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai - Cống Quỳnh.
 
“Chú cứ chụp ảnh cái máy bơm, cái bảng và đề vị trí ở gần Bệnh viện Từ Dũ cho nhiều người biết. Việc làm của tôi có gì to tát mà chụp hình tôi”, anh Lương nói khi tôi ngỏ ý xin được chụp hình. Dù không to tát gì nhưng việc làm của anh Lương đã thể hiện một nghĩa cử nhân ái cao đẹp với người khuyết tật, vốn chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.

TRẦN NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục