Nghĩa của từ "hèn"

Hỏi:
Nghĩa của từ "hèn"

Hỏi: Trong Bạch Vân quốc ngữ thi, Nguyễn Bỉnh Khiêm có viết:
 Tuổi đã già thì mọi sự hèn (bài 36)
 Xin cho biết ý nghĩa của từ hèn ở trên.
 Lê Ngọc Lộc (Vũng Tàu)
 

Nghĩa của từ "hèn" ảnh 1
Phận hèn dù rủi dù may, mặc người

PGS-TS Lê Trung Hoa: Ngày nay, trong tiếng Việt hiện đại, theo Từ điển tiếng Việt (2000) do Hoàng Phê chủ biên, từ hèn có ba nghĩa:
 
1. Rất kém bản lĩnh, thường do nhát sợ, đến mức đáng khinh: Đánh trộm là hèn.
 
2. Ở địa vị thấp trong xã hội và bị coi thường vì nghèo, vì yếu thế: Phận hèn.
 
3. Kém, chẳng ra gì về khả năng: Tài hèn sức mọn.

Tuy nhiên, ngày xưa, theo Vương Lộc, trong Từ điển từ cổ (2001), từ hèn có bốn nghĩa:
 
1. Nghèo hèn:
 Cớ sao họ Thạch công lao mà hèn?
 (Thạch Sanh, câu 28)
 
Nghĩa này tương ứng với nghĩa thứ hai ở trên.
 
2. Nhỏ mọn, thấp kém, không có giá trị:
 
Trong Đại Nam quốc âm tự vị (1895-1896), Huỳnh Tịnh Của ghi nhận và giải thích: của hèn: “của không quý”; vải hèn: “vải thô, vải xấu”; vật hèn: “đồ không quý, của không đáng giá trị”. Ở đây, ta thấy các tổ hợp từ này ngày nay không còn dùng.
 Phận hèn vâng đã cam bề tiểu tinh
 (Truyện Kiều, câu 954)

 Phận hèn dù rủi dù may, mặc người
 (Truyện Kiều, câu 2072)
 
Nước trong giếng đã hơi phèn
 Coi em cũng lịch lại hèn mẹ cha
 (Ca dao)
 
3. (Tội) nhẹ, không nặng:
 
Ngày ấy, ai có tội gì hèn cầm trong tù, thì cũng tha nó cho về nhà (Bento Thiện – Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ, 1972, tr.121).
 … nên tội hèn mà chớ… (A.de Rhodes, Phép giảng tám ngày, tr.288)
 … tội ấy cũng trọng, hèn… (Phép giảng tám ngày, tr.301).
 
4. Dở, kém, kém cỏi:
 Hay hèn lẽ cũng nối điêu
 (Truyện Kiều, câu 1317)
 
Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn!
 (Truyện Kiều, câu 2516)
 
Và từ hèn trong câu bạn hỏi có nghĩa thứ tư này.

Tin cùng chuyên mục