“Nghĩa tình biên giới” là chương trình do Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM phối hợp với Bộ đội Biên phòng TPHCM và Hội Chữ thập đỏ TP tổ chức trao nhà tình nghĩa, tình thương, học bổng, sửa chữa nhà cửa và khám chữa bệnh miễn phí cho người dân nghèo trên địa bàn các huyện giáp ranh biên giới Campuchia (tỉnh Tây Ninh). Trong buổi trưa cuối tuần nắng gắt, nụ cười, niềm vui của người dân nghèo và nghĩa tình nồng ấm của người dân TPHCM đã lan khắp vùng quê nghèo biên giới.
Xây nhà, sửa đường dây điện
Trong ngôi nhà lá nhỏ xíu, dột nát tại xã Hòa Thạnh (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh), bà Niêng Xê (người Campuchia) ngồi nhìn các chàng trai của công ty điện lực nhanh nhẹn sửa lại các đường dây điện trước sân và trong nhà mình. Bà cười móm mém, nói bằng giọng chân chất: “Quý hóa quá! Lâu lắm rồi không ai lo giúp chuyện nhà cửa cho già này. Vậy là không sợ bị chập điện, cháy nhà rồi”. Năm nay bà Niêng Xê đã 70 tuổi nhưng vẫn quần quật với công việc phơi phân trâu để kiếm sống qua ngày. Tài sản duy nhất trong ngôi nhà của bà là chiếc giường tre để ngả lưng khi mệt mỏi. Hơn 45 năm trước, bà từ Campuchia sang tá túc trên mảnh đất này. Không chồng, không con, không ruộng đất, bà Niêng Xê đi làm thuê làm mướn để có miếng ăn. Giờ tuổi cao, sức yếu, cuộc sống của bà càng thêm khó. Cũng vì thế nên bà cũng chẳng để tâm đến những đường dây điện mắc tạm bợ trong nhà với nguy cơ gây chập, cháy cao. Bà Niêng Xê là một trong 50 hộ gia đình tại Tây Ninh được chương trình “Nghĩa tình biên giới” sửa chữa và thay mới đường dây điện miễn phí nhằm giúp người dân nghèo có được cuộc sống an toàn hơn.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM trao học bổng cho học sinh tại Tây Ninh
Còn với gia đình bà Nguyễn Thị Lan và ông Nguyễn Văn Nghi (thương binh 2/4, năm nay 82 tuổi, bị tai biến, ngụ tại ấp Hiệp Phước, xã Hòa Thạnh) thì không niềm vui nào bằng ở tuổi xế chiều được sống trong ngôi nhà mới khang trang. Căn nhà của bà Lan trước kia xuống cấp đã dột nát nay được nâng nền, xây tường, lát gạch bông, lợp lại mái tôn mới nhờ được hỗ trợ 70 triệu đồng. Nếu không có sự hỗ trợ từ chương trình, vợ chồng bà Lan không biết bao giờ mới có được căn nhà mơ ước.
Với gia cảnh khó khăn, bản thân bị bướu ở chân trái đi lại khó khăn, chồng lại bỏ đi, chị Trương Mỹ Hạnh (ngụ tại ấp Tân Thanh, xã Tân Bình, huyện Tân Biên) một mình chèo chống nuôi 3 con nhỏ đang trong tuổi ăn tuổi mặc. Đứa con trai lớn vì thương mẹ nên đã nghỉ học đi làm phụ giúp mẹ nuôi 2 em. Hàng ngày chị Hạnh đi làm thuê khắp nơi nhưng thu nhập không ổn định. Trước đây, căn nhà của 4 mẹ con chị Hạnh khuya sớm có nhau chỉ là cái chòi được che bằng tấm bạt. Cứ mỗi độ mùa mưa đến, đêm đêm 4 mẹ con chị lại không ngủ được do mưa tạt ướt tứ bề. Nhiều đêm, các con chị phải sang nhà hàng xóm xin ngủ tạm để có sức khỏe đến trường. Đứng trước căn nhà nhỏ ấm áp, chị Hạnh rưng rưng nước mắt: “Giờ mẹ con em không còn mơ ước gì hơn khi được sống trong ngôi nhà đầy tình thương này. Nếu không có sự giúp đỡ của chính quyền mẹ con em vẫn phải sống trong căn chòi rách”.
Mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng với những hộ gia đình được nhận hỗ trợ xây, sửa nhà họ đã có một niềm vui chung rất lớn là từ nay không còn nỗi lo về căn nhà rách nát.
Nụ cười tỏa nắng
Buổi trưa trên vùng đất biên giới tỉnh Tây Ninh, nắng như đổ lửa. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo nhưng dòng người tình nguyện vẫn chuyền tay nhau từng túi gạo, thùng mì gói để phân phát đến người dân nghèo. Trong sân UBND xã rộn ràng tiếng cười nói của người già, phụ nữ, trẻ em đến nhận học bổng, nhận quà và được khám bệnh, phát thuốc miễn phí. Bà Lê Thi (ngụ ấp Thành Long), 70 tuổi, làm nghề đổi vé chai sống qua ngày, cho biết bà không nhớ đã bao nhiêu năm mình chưa đi khám bệnh. Mỗi khi trái gió trở trời, bà hay đau các khớp và trong người mệt mỏi nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, thu nhập bấp bênh, bà Thi không dám đi khám bác sĩ. Bà được các y, bác sĩ đoàn thầy thuốc tình nguyện (thuộc Hội Chữ thập đỏ TPHCM) tận tình khám bệnh và cho thuốc. Bác sĩ dặn bà không được đi lại nhiều, cần nghỉ ngơi. Nhưng bà Thi nói nghỉ một chỗ thì lấy gì mà sống. Ra về trên chiếc xe đạp cũ kỹ với túi thuốc, gạo, mì, bánh và các nhu yếu phẩm, bà Thi bảo nhiêu quà đây sẽ giúp bà no lòng trong nhiều ngày tới.
Cầm trên tay số tiền nhận được từ học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, em Nguyễn Thị Giang (học sinh lớp 10) vui mừng chia sẻ: “Số tiền này có ý nghĩa rất lớn với em cũng như gia đình. Nó sẽ giúp mẹ em đỡ phần vất vả lo toan”. Ba mất, mẹ một mình lo cho 4 anh chị em Giang. Hiện còn em và bé út đang theo học lớp 8, một anh của Giang đang đi bộ đội, còn một chị phải sang Campuchia mưu sinh. Cuộc sống vất vả nhưng Giang luôn đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Với học sinh vùng quê nghèo này, học bổng Nguyễn Thị Minh Khai do Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM trao tặng là món quà rất lớn giúp các em thêm động lực vươn lên học tốt.
THÁI PHƯƠNG