Nghĩa tình chắp cánh ước mơ

Tháng 10, hoa phượng vàng rực trên những mái đồi của thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông. Các thành viên trong đoàn công tác của Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn như quên hết mệt mỏi sau hơn 6 tiếng ngồi xe, trong đó có khoảng 60 cây số đường lầy lội, giằn xóc. Cảm giác này có được phần vì Đắk Nông dễ thương, phần khác vì đây là điểm cuối của hành trình trao 500 suất học bổng trong gói tài trợ của Ngân hàng TMCP XNK Việt Nam (Eximbank) giúp các học sinh nghèo, gia đình chính sách.

Tại các buổi trao học bổng, điều may mắn là chúng tôi được nghe rất nhiều mơ ước vô cùng đơn sơ giản dị. Chúng tôi cũng lấy làm lạ khi rất nhiều em mơ ước sẽ trở thành thầy cô giáo để quay lại mái trường xưa tiếp bước thầy cô dạy dỗ đàn em. Ở Long An, trong số gần chục em mà phóng viên tiếp xúc thì hơn nửa đã ước vào ngành sư phạm. Các địa phương khác cũng thế. Các tỉnh biên giới thì số học sinh có mơ ước này càng nhiều.

Mắc bệnh thấp tim từ nhỏ nên dáng người nhỏ bé như một học sinh tiểu học, Nguyễn Thế Huy, lớp 12A3, Trường Nguyễn Hữu Cảnh (xã Tân Khai, huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước), không dám ước mơ trở thành thầy giáo nhưng mong muốn trở thành kỹ sư công nghệ để phổ cập tin học cho những người dân nghèo quê mình.

Em Nguyễn Quang Đạt (lớp 7D1 Trường THCS thị trấn Đắk Măm, tỉnh Đắk Nông) chỉ ước mơ đơn giản là lớn lên có công ăn việc làm ổn định để có tiền giúp cha chữa bệnh vôi hóa cột sống, để cha đỡ đau nhức hàng đêm. Phạm Vũ Đình Nguyên, lớp 11 Trường THPT Krông Nô ước vào đại học kinh tế để về xây dựng quê hương Đắk Nông ngày càng giàu đẹp…

Dù với ước mơ gì thì ánh mắt, niềm tin của các em đã cho những người làm chương trình có thêm sức mạnh, bởi chúng tôi cảm nhận được rằng số tiền học bổng - tuy không nhiều, chỉ 2 triệu đồng/suất, nhưng đã góp phần không nhỏ cho các em giữ vững ước mơ, bền bỉ trên con đường đến trường vốn có quá nhiều gian nan vất vả.

Tại các buổi lễ có đại diện nhà tài trợ tham dự, nghe nhà tài trợ thông báo sẽ tiếp tục đồng hành cùng chương trình, ai nấy đều vui, đặc biệt là các em. Nhiều em cho biết sẽ quyết tâm học thật giỏi để năm sau tiếp tục nhận học bổng “Nghĩa tình Trường Sơn”.

Thầy Huỳnh Công Khanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Bình Phước, chia sẻ: “Tôi chưa thấy tên học bổng nào ấn tượng như vậy! Học bổng này không chỉ hỗ trợ các em học sinh về tài chính, mà còn góp phần quan trọng trong giáo dục truyền thống, khơi gợi niềm tự hào về đất và người Trường Sơn”. Với quan điểm này, ngành giáo dục Bình Phước đã yêu cầu các học sinh được nhận học bổng, khi về trường mình, trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, sẽ chia sẻ tâm sự, trình bày hướng phấn đấu để thể hiện trách nhiệm với 4 từ “Nghĩa tình Trường Sơn”.

Ông Hoàng Văn Thiện, phụ huynh em Hoàng Văn Bằng (học sinh lớp 9C Trường Phạm Hồng Thái, xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) là thương binh 4/4, cũng vô cùng ngạc nhiên khi có một học bổng mang tên tình nghĩa như vậy. Ông thật sự xúc động khi chương trình tri ân đồng đội cũ bằng cách chăm lo, thắp sáng tương lai cho thế hệ con cháu những người như ông. Ông mong chương trình được nhân rộng để nhiều gia đình đồng đội đang gặp khó khăn giảm bớt phần nào nỗi lo học hành cho con cái. Những mơ ước, mong mỏi mà chúng tôi ghi nhận được chắc chắn sẽ đồng hành cùng Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn trong thời gian tới… 

HƯƠNG - NGA

Tin cùng chuyên mục