Trong hành trình “phủ xanh” vùng biên, những năm qua, các công ty thuộc Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) đứng chân tại các huyện biên giới của tỉnh Gia Lai đã chú trọng tuyển dụng đồng bào dân tộc thiểu số vào làm công nhân cao su, góp phần ổn định cuộc sống cho người tại chỗ.
Sinh ra, lớn lên và trưởng thành trên vùng biên giới, đảng viên trẻ Pui Sinh (dân tộc Ja Rai) - tổ trưởng 2, đội sản xuất số 10 thuộc Công ty 74 (Binh đoàn 15) nhớ mãi tình cảm của những “người lính Cụ Hồ” dành cho buôn làng anh. Ngày Pui Sinh còn nhỏ, làng Beng của anh nói riêng, vùng biên giới Ia O, Ia Chía (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) nói chung, là địa bàn có mức sống thấp nhất của tỉnh. Từ chuyện học hành của lũ trẻ trong làng cho đến vấn đề y tế, chăm sóc sức khỏe, tất cả đều nhờ vào sự hỗ trợ giúp đỡ của đồn Biên phòng Pô Cô.
“Cái duyên” với bộ đội vẫn cứ thế gắn chặt buôn làng cho đến ngày những đứa trẻ như Sinh đến tuổi trưởng thành. Gần như cùng một lúc, cả làng Beng của Sinh (với 82 lao động) được tuyển dụng vào làm công nhân tại đội 10 – Công ty 74, để trở thành tổ sản xuất có 100% là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Vào làm công nhân cho một đơn vị quân đội, cuộc sống của người làng Beng thay đổi nhanh chóng. Từ chỗ phải “chạy ăn” hàng ngày, đến nay thu nhập của số công nhân trong làng đã ổn định ở mức hơn 2 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, sự tiếp sức không chỉ đến từ những người lính, bà con làng Beng, làng Lang và cả vùng biên giới bên con sông Pô Cô này còn nhận được rất nhiều tình cảm từ các hộ gia đình đồng bào Kinh, Tày, Nùng đến đây lập nghiệp…
Pui Sinh tâm sự: “Đến thời điểm này, đội của em đã được chứng kiến 40 lễ kết nghĩa giữa hộ gia đình người Kinh với đồng bào Ja Rai tại chỗ. Đây là hoạt động rất hữu ích, nó không chỉ tôn vinh nét đẹp tình làng nghĩa xóm mà trong cuộc sống, bà con còn giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau rất nhiều, nhất là chỉ dạy cho nhau cách làm ăn, nuôi dạy con cái và thực hiện trách nhiệm của người dân vùng biên giới đối với chủ quyền quốc gia”.
Có thể nói việc gắn kết hộ gia đình công nhân với gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là chủ trương lớn trong công tác dân vận của Công ty 75 (thuộc Binh đoàn 15) hiện nay. Năm 2006, công ty xây dựng mô hình “gắn kết hộ gia đình” với mục đích tăng cường tình đoàn kết dân tộc trên địa bàn, qua đó tạo sự gắn bó khăng khít hơn giữa công ty, đội, tổ sản xuất với thôn làng nhằm giữ vững an ninh chính trị, an ninh nông thôn, tạo môi trường thuận lợi cho công ty thực hiện thắng lợi nhiệm vụ binh đoàn giao cho.
Đây là chủ trương hợp lòng dân, nên chỉ sau 3 năm triển khai đã có 1.188 hộ gia đình tập trung trên địa bàn các xã: Ia Kla, Ia Dớk (huyện Đức Cơ) và xã Ia Chía (huyện Ia Grai) tổ chức lễ kết nghĩa đỡ đầu, tạo nét đẹp tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết dân tộc trên vùng biên giới.
Trong quá trình gắn kết, các hộ gia đình công nhân đã vận động được 128 thợ cạo mủ là người dân tộc thiểu số đã bỏ vườn cây quay trở lại khai thác; hướng dẫn 100% hộ gia đình làm vườn rau xanh cải thiện đời sống, vận động 54 trẻ em đã bỏ học quay trở lại trường lớp. Đặc biệt, kể từ ngày phong trào phát triển sâu rộng, tình trạng vượt biên trái phép và tiếp tay đưa đón người vượt biên đã được xóa bỏ, các hộ gia đình đồng bào coi công ty và đội sản xuất như mái nhà chung của mình.
Ông Siu Bơn, ở làng Lang, xã Ia Chía (huyện Ia Grai) vui vẻ cho chúng tôi biết: “Kể từ ngày gia đình mình kết nghĩa với cán bộ Thắng (đại úy Nguyễn Văn Thắng, Đội trưởng đội 10, Công ty 75 - PV), mấy đứa nhỏ nhà mình ngoan ngoãn hẳn lên. Có anh Thắng nhắc nhở chỉ bảo chúng nó đã biết nghe lời mình, biết thương cha thương mẹ nhiều hơn…”.
Và, vượt lên trên tất cả là sự sẻ chia tình cảm của người dân vùng biên giới khi “tối lửa tắt đèn” có nhau, qua đó tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc để cùng nhau vươn lên trong cuộc sống.
ĐỨC TRUNG