Nghĩa tình trả mãi

Như thường lệ, mỗi khi vào phòng, trên bàn tôi bao giờ cũng có sẵn một xấp công văn, thư từ. Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn sau hai năm triển khai thực hiện, với nguồn kinh phí tài trợ gần 60 tỷ đồng phải tiêu hóa, hồ sơ giấy tờ nhiều là điều khó tránh. Hôm ấy, trong tập công văn có tờ giấy viết tay, đề “Đơn xin hỗ trợ tiền xây nhà”, người đứng đơn là Trương Xuân Đài, quê quán xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tôi giật mình…
Nghĩa tình trả mãi

Như thường lệ, mỗi khi vào phòng, trên bàn tôi bao giờ cũng có sẵn một xấp công văn, thư từ. Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn sau hai năm triển khai thực hiện, với nguồn kinh phí tài trợ gần 60 tỷ đồng phải tiêu hóa, hồ sơ giấy tờ nhiều là điều khó tránh. Hôm ấy, trong tập công văn có tờ giấy viết tay, đề “Đơn xin hỗ trợ tiền xây nhà”, người đứng đơn là Trương Xuân Đài, quê quán xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tôi giật mình…

Diễn Vạn là quê tôi. Hồi bé,trong làng tôi có anh Đài là con ông Cát cắt tóc. Anh thuộc thế hệ anh chị, hơn tôi gần chục tuổi. Khi tôi sinh hoạt trong đội thiếu niên thì anh đã là cán bộ Đoàn xã. Với tôi, đó là một thanh niên cao to lừng lững, khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Tôi còn biết nhà anh, ngôi nhà ngói to nhất nhì xã ở trước bến sông. Chiến tranh! Giặc Mỹ ném bom miền Bắc.

Xã tôi, mảnh đất bị kẹp giữa con kinh nhà Lê và sông Vạn, là đường vận tải thủy từ Thanh Hóa vào Nam, trở thành mục tiêu đánh phá, là túi bom cho bọn giặc lái Mỹ trút xuống, trên đường trở về hạm đội 7. Dòng sông Vạn trên bến dưới thuyền ngày nào đã trở thành dòng sông hoang vắng. Nhà cửa bên bờ sông, cả cái đình làng cột to một vòng tay ôm, đều bị bom Mỹ phá nát.

Căn nhà của anh Đài cũng vậy. Lũ trẻ lứa tuổi tôi phải sơ tán và trọ học ở xã khác. Thanh niên nam nữ, đến tuổi thì đi bộ đội hoặc TNXP. Anh Đài đi bộ đội năm 1965. Tôi thì 6 năm sau, năm 1971 cũng lên đường nhập ngũ…

Anh Đài trong ký ức tuổi thơ của tôi là vậy. Còn ông Đài trong lá đơn trước mặt tôi thì hết sức hoàn cảnh: “Sau 9 năm tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở chiến trường Trường Sơn, tháng 10-1974, do sức khỏe yếu, tôi được phục viên về địa phương. Khi lập gia đình, vợ chồng tôi sinh được 3 người con thì cả 3 đều bị nhiễm chất độc da cam. Người con trai đầu, năm nay đã 37 tuổi mà ngây ngô như con trẻ, chân tay quặt quẹo, thỉnh thoảng lại lên cơn tâm thần đập phá đồ đạc, đánh cả mẹ gãy tay. 2 người con kế tiếp, sinh ra, lớn lên cho đến lập gia đình thì sức khỏe vẫn bình thường, nhưng khi có con thì đều mắc bạo bệnh và lần lượt qua đời, để lại tổng cộng cho vợ chồng tôi 5 đứa cháu mồ côi. Tôi thì đang bị tiểu đường biến chứng. Một gia đình 3 người lớn, 5 đứa trẻ con mà không có ai làm được gì, nguồn sống chủ yếu nhờ vào trợ cấp nạn nhân chất độc da cam…”. 

Nếu theo đơn thì đúng là đối tượng tài trợ của chương trình. Tuy nhiên, cần phải kiểm tra. Tôi điện thoại ngay cho Hội CCB tỉnh Nghệ An, nhờ họ xuống cơ sở thẩm tra xác minh. Nếu đúng, đề nghị Hội hướng dẫn gia đình làm hồ sơ theo quy định. Hôm sau, Thường trực Hội CCB tỉnh thông báo: Đúng 100%. Gia đình ông Đài hết sức khó khăn cả về chỗ ở lẫn đời sống…
 
Một buổi sáng, tôi vừa vào đến cơ quan thì điện thoại di động đổ chuông. Đầu máy lạ bên kia, giọng một người đàn ông khàn khàn, nặng nhọc hỏi: - Chú có phải chú Quang không? Tôi đáp: Phải. Xin lỗi ông là ai? – Tôi là Đài ở xã Vạn đây. Chú cho hỏi, liệu gia đình tôi có được hỗ trợ căn nhà không? Tôi đáp: Có. Tổng Biên tập đã ký quyết định rồi. Mấy hôm nữa sẽ đến anh. - Được bao nhiêu hả chú? 45 triệu đồng anh ạ. Tôi đáp xong thì đầu máy bên kia lặng ngắt như bỏ máy. Tôi nghĩ bụng, cái ông đến là mất lịch sự, một câu chào cũng không…

Bỗng nhiên, có giọng nói khác vào máy: “Anh ơi, ông Đài mừng quá ngất (xỉu) rồi. Anh thông cảm nha!”. Tôi đứng lặng, bồi hồi nhớ lại anh thanh niên Đài to lớn vạm vỡ tươi tắn trong bộ quân phục Tô Châu ngày nào…
 
Khi đề nghị với Tổng Biên tập phải làm một cái gì thiết thực để trả nghĩa cho Trường Sơn, tôi vẫn chưa hình dung sẽ làm gì. Chỉ thấy, khi đứng trước nấm mồ đồng đội trong Nghĩa trang Trường Sơn, hay một mình giữa đại ngàn Trường Sơn hoang lạnh, linh cảm như có ai đó nhắc nhở mình, nên nóng lòng mà đề xuất.

Nhưng đến khi triển khai thực hiện, mới thấy vận động được tài trợ không có thù lao hoa hồng đã khó, phân phối tài trợ cho đúng đối tượng, vừa giảm thiểu thất thoát vừa đảm bảo chất lượng công trình, càng khó hơn. Kinh nghiệm là con số 0, thời gian dành cho công việc lại là kiêm nhiệm. Gửi công văn thì nhiều nơi không trả lời. Nơi trả lời thì yêu cầu chuyển tiền trước.

Cùng với phóng viên đi đến các địa phương, nhiều nơi nghe trình bày xong cứ tưởng nói đùa… Ấy vậy mà thoáng chốc đã hai năm, hơn 700 căn nhà đã được xây, 1.330 suất học bổng đã đến tận tay các em học sinh nghèo. 4 trạm xá đã được bàn giao đưa vào sử dụng và 2 ngôi đền đang được xây dựng…

Cuối tháng 11-2011, nhân chuyến công tác Nghệ An, tôi ghé về dự bàn giao căn nhà cho anh Đài. Căn nhà đẹp, dù tài trợ của NTTS chỉ có 45 triệu đồng nhưng tổng chi phí lên đến hơn trăm triệu đồng, nhờ sự góp sức của Hội CCB, Hội Nạn nhân chất độc da cam địa phương và bà con họ mạc. Chủ nhà, CCB Trương Xuân Đài đã là một ông già bệnh hoạn, người phù nề, da cháy loang lổ, biến chứng của bệnh tiểu đường cấp độ cuối… Chúng tôi nhận ra nhau.

Tổng Biên tập Báo SGGP, Chủ tịch Hội CCB Nghệ An, Phó Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn chụp hình kỷ niệm với gia đình CCB Trương Xuân Đài (áo sọc) trước căn nhà tình nghĩa do Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP trao tặng.
Tổng Biên tập Báo SGGP, Chủ tịch Hội CCB Nghệ An, Phó Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn chụp hình kỷ niệm với gia đình CCB Trương Xuân Đài (áo sọc) trước căn nhà tình nghĩa do Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP trao tặng.

Nắm chặt tay tôi, anh Đài nói chậm chạp: “Hôm nghe chú nói được 45 triệu đồng, tui mừng hoảng. Cả đời tui khóc nhiều rồi, khóc đồng đội nằm lại ở Trường Sơn, khóc các con lần lượt ra đi khi đầu xanh tuổi trẻ… tưởng không còn nước mắt nữa. Vậy mà nghe chú báo tin, tui đã khóc! Mơ ước có một ngôi nhà tươm tất cho vợ con thế là tết này có rồi. Tôi chết cũng nhắm mắt được rồi…”. Trên khóe mắt đã mờ đục của anh Đài, hai giọt nước mắt ứa ra…

Từ khi triển khai các gói tài trợ của Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, mỗi chuyến đi khảo sát, khởi công, khánh thành công trình, tôi lại có thêm những người bạn đồng hành vô tư, tận tụy. Mỗi lần trao tài trợ đến đối tượng thụ hưởng, tôi lại có dịp hiểu biết, chia sẻ với những hoàn cảnh, những mảnh đời mà chúng ta quen gọi là nghèo khó. Nhưng khi đối diện với gia cảnh của CCB Trương Xuân Đài – người anh cùng làng hơn 40 năm mới gặp lại – tôi cứ bàng hoàng…

Một căn nhà cho những gia đình như anh Đài, là món quà tết mơ ước một đời! Nhưng rồi hết tết, đối diện với đời thường, làm thế nào để những gia đình CCB ấy có thể xóa đói giảm nghèo bền vững? Xem ra, hai chữ “NGHĨA TÌNH” có lẽ phải trả mãi không thôi!

NGUYỄN ĐỨC

Tin cùng chuyên mục