Nghĩa tình Trường Sơn sưởi ấm Hoàng Liên

Nghĩa tình Trường Sơn sưởi ấm Hoàng Liên

Xã biên giới Nà Bủng thuộc huyện Mường Nhé nằm ở cực Tây của tỉnh Điện Biên và cũng là cực Tây của Tổ quốc. Từ Hà Nội, theo quốc lộ 6 đi Điện Biên, gần 500km, hết khoảng 9 - 10 giờ đồng hồ, đi khỏe. Nhưng từ thành phố Điện Biên đi Nà Bủng, chỉ khoảng hơn 200 cây số mà mất trọn một ngày vất vả. Đặc biệt, gần 80km cuối, từ ngã ba cây số 45 thuộc xã Si Pa Phìn vào xã Nà Bủng, phải nói là gian nan. Đường đất lầy lội, “ổ trâu” dày đặc, đất đỏ dẻo quẹo, đèo dốc quanh co, xe Toyota Land Cruiser 2 cầu lăn lộn chiến trường như thế mà cũng phải nằm đường sau khi vượt suối Nậm Pồ, khiến chúng tôi phải quá giang xe khác mới đến được Đồn Biên phòng Nà Bủng khi trời vừa sập tối.

Chủ tịch xã Nà Bủng Giàng A Vừ cho biết, toàn xã có 15 bản với 7.046 khẩu/1.171 hộ, 93,8% là đồng bào dân tộc Mông, sinh sống bằng nghề làm nương. Chúng tôi đã đi nhiều nơi, biết đồng bào vùng cao không có ruộng nước nên canh tác bằng nương rẫy, nhưng nương rẫy ở vùng này thì “sợ” thật. Nhìn ra bốn phía, chỉ có núi là núi, núi cao, trùng điệp, sừng sững, hầu hết đều bị cạo trọc… Đó là nương rẫy! Nhìn “nương rẫy” như thế, ướm thử sức vóc của thanh niên thành phố như chúng tôi, nội trèo lên được đã “hết hơi” rồi, còn đâu sức mà cuốc đất, mà trồng cấy, thu hoạch… Đi từ Si Pha Phìn vào đến Nà Bủng, chúng tôi cố gắng tìm thử một khoảng đất bằng phẳng để có thể làm sân bóng đá mà tuyệt nhiên không thấy. Nhà ở cheo leo trên núi, trường học cũng cheo leo trên lưng núi. Điện, chắc chắn còn xa lắm, nhưng nước sinh hoạt, trồng trọt...? Hỏi ra mới biết nguồn nước được dẫn theo đường ống tự chảy từ trên núi cao xuống. Lượng nước nhiều ít tùy theo mùa, trong đục cũng tùy theo mùa. Có sao xài vậy. Cả xã không có chợ. Theo Chủ tịch Giàng A Vừ, tỷ lệ đói nghèo của xã chiếm 57%, nhưng với điều kiện kinh tế xã hội như vậy thì chắc chắn đó là con số… lạc quan!

Điều kiện sống của cư dân bản địa khó khăn như vậy, nhưng sự nghiệp giáo dục, được nhà nước đầu tư thì khá phát triển. Toàn xã Nà Bủng có 2 trường tiểu học với 15 cơ sở. Riêng Trường tiểu học số 1 có 7 điểm trường, 59 giáo viên và 715 học sinh người Mông. Trường lớp được đầu tư khá khang trang, vững chãi. Do địa bàn cư trú của các bản đều ở xa trường nên hầu hết thầy cô và học sinh đều ở bán trú. Chúng tôi ghé thăm nơi ở của các em. Gần 20 em chen chúc nhau trong một căn phòng chỉ khoảng hơn 6m2, có khoảng 5 căn phòng như thế, còn lại thì ở trong những túp lều dựng tạm. Các em học sinh lớp 4 - 5 mà nhỏ quắt trông như học sinh mẫu giáo lớn ở thành phố. Thào A Vảng, lớp 4, đang cắm cúi thổi lửa, canh nồi cơm. Nhóm góp gạo thổi cơm chung của em có 5 bạn. Hôm nay đến lượt em nấu. Nhìn nồi cơm bé tí teo, hỏi em ăn cơm với gì, em bảo có gì ăn nấy. Hôm nay thì ăn cơm với nước mắm và rau sắn luộc.

Ở “bếp” bên cạnh, cậu bé Hờ A Lểnh, học sinh lớp 5A, cũng đang còng lưng sát đất để thổi lửa. Nồi cơm sôi sùng sục nhưng nhìn bên cạnh, “thức ăn” cũng chỉ có mấy cọng rau rừng chưa chế biến. Cuộc sống khó khăn không thể giải quyết ngày một ngày hai, nhưng với số điểm trường, số học sinh đến lớp được như trên là điều đáng mừng. Sự học phát triển là sự bắt đầu căn cơ và triển vọng nhất. Mặc dù điều kiện ăn ở sinh hoạt có khó khăn nhưng khi trò chuyện với các em, các em nói tiếng Việt lưu loát, trả lời khách lạ gọn gàng, lễ phép… Chúng tôi nhận ra điều đó!

Đại diện BTC Chương trình NTTS trao chìa khóa nhà bán trú dân nuôi cho đại diện trường.

Đại diện BTC Chương trình NTTS trao chìa khóa nhà bán trú dân nuôi cho đại diện trường.

Sáng hôm sau, Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo Sài Gòn Giải Phóng và nhà tài trợ - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã khánh thành và bàn giao cho các em công trình nhà bán trú. Dãy nhà năm gian làm bằng gỗ, do bộ đội Đồn Biên phòng Nà Bủng chịu trách nhiệm tổ chức thi công, đã hiện ra nổi bật giữa nền đất cao phía sau dãy lớp học của Trường Tiểu học số 1 Nà Bủng. Công trình giá trị không lớn và chắc chắn chưa đủ cho tổng số học sinh có nhu cầu bán trú của trường, nhưng sẽ là mái nhà sưởi ấm cho hơn 100 học sinh trong những ngày giá rét, giảm bớt cái nóng như thiêu đốt trong những ngày hè để các em an tâm học tập. Mục tiêu của Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đã lan tỏa tới những bản làng dưới chân dãy Hoàng Liên.

Công trình Nhà bán trú dân nuôi Trường Tiểu học số 1 Nà Bủng, xã Nà Bủng, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tài trợ thông qua Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo Sài Gòn Giải Phóng trị giá gần 400 triệu đồng. Công trình đã được tập thể cán bộ - chiến sĩ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên, đặc biệt là tập thể Đồn Biên phòng Nà Bủng đóng góp công sức và vật chất với tổng trị giá hơn 50 triệu đồng.

HẢI ANH

Tin cùng chuyên mục