Ấm lòng mùa dịch
Trong tuần qua, 4 đợt hàng với hơn 200 thùng lương thực, thực phẩm từ người dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được gửi vào tiếp sức người dân TPHCM chống dịch. Chương trình do Quỹ Sen xanh - Báo Thừa Thiên Huế phát động, kết nối tấm lòng bà con nhiều địa phương ở Huế, thông qua Báo SGGP, chuyển đến người lao động khó khăn, lực lượng tuyến đầu chống dịch và cư dân tại các khu vực bị phong tỏa tại TPHCM như các quận 6, Bình Thạnh, Gò Vấp, Bình Tân, TP Thủ Đức...
Nhận 1,5 tấn hàng chuyển từ Huế, chị Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội LHPN quận Bình Thạnh (TPHCM), cho biết đã nhanh chóng phân chia thành nhiều phần quà tươm tất. Phần củ quả chuyển về các phường chia cho các hộ gia đình, bếp ăn phụ nữ; phần cá nục kho sẵn, ruốc sả, đậu phộng… được kèm thêm gạo, mì, trứng chuyển đến các hộ khó khăn đang bị phong tỏa ở các phường 13, 19, 21. Đây là những khu vực gần như bị phong tỏa toàn phường, rất đông công nhân, người lao động khó khăn. Riêng bánh chưng, bánh lọc… được gửi đến các y bác sĩ, anh chị em làm việc ở các điểm cách ly của quận.
“Nhận quà từ Huế, chị em phụ nữ quận Bình Thạnh rất cảm động. Đây không chỉ là sự hỗ trợ kịp thời mà còn là món quà tinh thần đáng quý. Trên những thùng hàng, hộp cá, hộp đậu phộng rang ghi nhiều dòng chữ đầy tình cảm, động viên người dân khiến ai nhận cũng rưng rưng…”, chị Loan chia sẻ.
Tại quận 6, anh Võ Hoàng Thạch, Công an phường 2, cho biết, đoàn viên thanh niên của phường đã nhanh chóng phân phối 1,5 tấn hàng đến các khu vực phong tỏa. Phường 2 có hơn 300 hộ dân đang cần hỗ trợ, mọi người đều rất cảm kích trước những món quà thiết thực từ người dân Huế.
“Xin trân trọng tấm lòng bà con ngoài đó đã quan tâm, kịp thời gửi nhu yếu phẩm vào đây. Mấy chục bao tải, thùng hàng được bọc kỹ, sắp xếp gọn gàng, tươm tất. Trên các hộp đồ ăn còn dán lời động viên. Chúng tôi thấy như được tiếp sức”, anh Thạch bày tỏ.
Những nhịp cầu nối
Sau lời kêu gọi “Cùng tiếp sức để TPHCM vượt qua dịch Covid-19” từ Báo Thừa Thiên Huế, nhiều bếp lửa dã chiến đã “mọc” lên ngay tại sân vườn các vùng quê ở Huế. Người dân tích cực ủng hộ của nhà trồng được, nào bầu, bí, bún, gạo…; nào cá khô, cá kho, bánh chưng, đậu phộng … Gần 10 tấn hàng đã được chuyển vào TPHCM thông qua các tổ chức, cá nhân và đặc biệt tin cậy nhờ Báo SGGP gửi đến đúng nơi cần.
Tại thị xã Hương Trà, người già, trẻ em bóc đậu; phụ nữ, thanh niên giã, xay, chế biến để hoàn thành hàng trăm lọ muối ruốc sả, đậu phộng, cá khô. Tại huyện Phú Vang, thị xã Hương Thủy, người dân góp gạo, chung tay chế biến thực phẩm quên cả bữa trưa. Nhà làm bún gửi bún khô, nhà làm kẹo gửi kẹo đậu phộng, nhà làm bánh gửi bánh lọc, bánh chưng… Bà Trần Thị Minh Tâm, một cán bộ hưu trí, dành cả ngày chăm chút từng chảo ruốc sả dưới cái nắng gay gắt mùa hè miền Trung. Bà tâm sự: “Bà con chúng tôi chia nhau làm nhiều thức ăn khô. Đây là một chút tấm lòng, chia ngọt sẻ bùi với thành phố kết nghĩa, mong bà con trong ấy bình an qua dịch bệnh!”.
Ở TP Huế, nhóm thiện nguyện của chị Phan Thị Mỹ Hạnh (chủ shop hoa Thành Đô) chọn kho cá theo công thức Huế để có thể bảo quản dài ngày. Hàng tạ cá tươi được mua trực tiếp từ miền biển, làm sạch, ướp gia vị một ngày, kho xuyên đêm đến sáng hôm sau mới xong thành phẩm. “Tuần rồi, chị em chúng tôi làm gần 1.000 hộp cá nục kho để bà con đổi món. Ai cũng muốn dành những gì ngon nhất gửi vào TPHCM, mong mọi người ấm bụng, ấm lòng, giữ sức khỏe vượt qua mùa dịch”, chị Hạnh gửi lời.
Bên cạnh các tổ chức, cá nhân đóng góp hàng hóa và tiền mặt, Báo Thừa Thiên Huế còn đón các em nhỏ mang heo đất đến ủng bộ. Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên Huế, chia sẻ: “Tỉnh và các tổ chức, ban ngành đều có nhiều hoạt động hướng về TPHCM. Báo Thừa Thiên Huế thấy rất ý nghĩa khi được là một trong những cầu nối để người dân miền sông Hương núi Ngự gửi đến TPHCM tấm lòng và tình thương mến. Mong người dân TPHCM vững lòng vượt qua giai đoạn khó khăn này!”.
Không thể nói hết bằng lời ân tình người dân Huế gửi tới TPHCM. Những tình cảm mộc mạc, chân chất đó được gói ghém gửi đi và được trân trọng đón nhận qua bao chuyến xe đã và vẫn đang hướng về miền Nam.