Nghịch cảnh, vẫn yêu quý cuộc đời

“Tôi muốn tự lập”
Nghịch cảnh, vẫn yêu quý cuộc đời

Mến bày từng món đồ ra bàn sau khi tôi đề nghị được “kiểm kê tài sản”. Cái máy vi tính xách tay, chiếc máy ghi âm 1 hộc băng, USB, điện thoại di động, một cái nón bảo hiểm màu hồng, một chiếc cặp da. “Mấy thứ này của trường hay của nhà hảo tâm nào cho Mến vậy?”. “Mình đi bán vé số dành dụm mua để đi học tiếng Anh đó” - tiếng cô gái nhẹ như gió thoảng. Tôi sững người, bất giác “ngước nhìn” cô gái mù cao 1,57m, nặng 38 kg…

“Tôi muốn tự lập”

Mến tranh thủ ôn bài trước giờ lên lớp.

Mến tranh thủ ôn bài trước giờ lên lớp.

“Mỗi ngày, mình bán vé số lời được chừng 60.000 đồng. Tiền ăn uống, sinh hoạt ráng nhín trong 20.000 đồng, còn 40.000 đồng để dành bỏ ống. Mà mỗi tuần chỉ đi bán được ít ngày thôi. Tại vì mình đang sống ở trường (Hội Người mù TPHCM - PV), thầy biết mình trốn ra ngoài bán vé số dạo là la chết” - Mến kể.

Mà không la rầy sao được khi hành trình đi bán dạo của Mến quá rủi ro, nếu không muốn nói là nguy hiểm. 6 giờ sáng, cô ra đường với hành trang là một cái gậy, một chai nước và một cái áo mưa.

 Từ đường Cống Quỳnh, Mến đi bộ ra đường Trần Hưng Đạo, quận 1 để đón chuyến xe buýt số 1. Cô giải thích: “Gần cổng trường cũng có xe buýt nhưng nếu đi xe đó, mình phải bắt thêm một chuyến xe nữa mới tới được điểm lấy vé số. Ráng đi bộ một chút cho đỡ tốn tiền xe”.

“Địa bàn hoạt động” của Mến là quận 6. Tới nơi, cô đến đại lý lấy 100 tờ vé số, cất 80 tờ vô túi áo, xòe 20 tờ còn lại trên tay rồi bắt đầu dò dẫm đi bán dọc các tuyến đường, ngõ hẻm.

Không phải tự dưng Mến chọn “nghiệp” bán vé số dạo. Vào Trung tâm Bảo trợ người già tàn tật và trẻ em Thị Nghè từ lúc 8 tuổi, Mến được chăm sóc chung với những người già neo đơn. Đến năm 14 tuổi, Mến chuyển về Hội Người mù TP. Ở đây, cô được học văn hóa, học nghề mát xa trị liệu. Học xong lớp mát xa, Mến và các bạn khác được bố trí việc làm.

Khách hàng đến với trung tâm mát xa của người mù phần đông là những người thông cảm và trân trọng công sức lao động của người khuyết tật. Thế nhưng thỉnh thoảng cũng có sự cố. Mến kể: “Lần đó, có một ông khách đã lớn tuổi vào mát xa rồi hỏi: “Nhân viên mát xa mà không chịu chiều khách là sao?”, mình giận quá, cương quyết từ chối. Sau lần đó, mình xin thầy cho nghỉ làm với lý do sức khỏe không đảm bảo”.

Cũng chính từ sự cố này, Mến quyết tâm tiếp tục học, chuẩn bị một cuộc sống tự lập.

Xây tổ

Chữ “học đại học” với người khác khó một, với Mến, khó mười. Cái khó đầu tiên là… “tiền đâu?”. Ghi nhớ những địa chỉ cần tuyển người nghe được từ radio, Mến tự tìm đến xin việc. Vừa thấy cô gái mù gõ cửa phòng xin việc, người ta đã từ chối không cần giải thích lý do.

Xin việc không được, Mến lén các thầy cô đi bán vé số. Ky cóp để dành tiền, Mến đăng ký luyện thi. Ngày đầu tiên bước vào lớp luyện thi, cô giáo nhìn Mến ái ngại rồi xếp cho ngồi vào một góc với lời an ủi: “Thôi, con ngồi đỡ ở đây một bữa rồi cô tính”.

Mến còn viết nhật ký và làm thơ bằng chữ nổi. Thơ Mến buồn, chuyện đời Mến buồn nhưng Mến nói: “Bây giờ, mình chỉ buồn trong lòng và trong thơ thôi. Lúc nhỏ, chính mẹ mình đã dẫn mình vô trung tâm bảo trợ rồi không bao giờ quay lại. Những người tật nguyền như mình hình như ai cũng đều có hơn một lần nghĩ về cái chết. Nhưng càng lớn, mình càng thêm yêu quý cuộc đời này”.

Những ai đã từng nghe qua cách thức chuẩn bị bài học của cô gái mù lòa này mới thấy hết khát vọng được học cháy bỏng của cô. Học luyện thi, cô giáo giải bài tập Anh văn trong sách theo dạng trắc nghiệm. Cô chỉ đọc a, b hay c, các bạn sáng mắt đọc nội dung trong giáo trình rồi đánh theo.

Riêng Mến thì mù tịt vì không có giáo trình chữ nổi. Cô giáo thương, cho Mến một bộ sách luyện thi nhưng chỉ là sách bình thường.

Vét hết tiền, Mến mua một cái máy ghi âm rồi lọ mọ đem máy, đem sách tới năn nỉ thầy cô, anh chị, bạn bè sáng mắt, kể cả thầy giám thị, bác bảo vệ đọc từng câu, từng chữ, từng trang trong giáo trình thành tiếng rồi ghi âm lại.

Đêm về, khi các bạn cùng phòng đã ngủ, Mến len lén tìm ra một góc vắng rồi mở máy, vừa “xả băng”, vừa chép lại từng đoạn  bằng chữ nổi. Giáo trình thì dày cộp, thầy cô, bạn bè thương lắm cũng chỉ có thể bỏ thời gian đọc cho Mến một ít mỗi ngày.

Cần mẫn, kiên trì như con kiến nhỏ, không biết đã mất bao nhiêu ngày, bao nhiêu đêm Mến mới dịch được hết bộ sách luyện thi. Mà trong cái rủi có cái may, nhờ cực công “chuyển ngữ”, Mến gần như thuộc làu cả bộ sách. Khả năng nghe của cô cũng được cải thiện thấy rõ. Cô trúng tuyển vào Khoa Ngữ văn Anh - Trường Đại học KHXH-NV TPHCM.

Vào đại học, rút kinh nghiệm từ đợt học luyện thi, trước khi bắt đầu một học kỳ, Mến phải tìm mọi cách mượn trước tất cả giáo trình để dịch lại chữ nổi. Khi đã làm thành thạo, để có được một quyển giáo trình chuyển ngữ, Mến mất chừng nửa tháng lao động miệt mài. Chuẩn bị đủ sách nổi cho các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, văn phạm của tất cả các học phần và theo kịp các bạn sáng mắt, Mến phải bỏ công sức học bằng năm, bằng mười các bạn.

Nhịn ăn, nhịn mặc, Mến để dành mua được cái máy tính xách tay giá 10,8 triệu đồng để có thể ghi bài trực tiếp trên lớp. Cô gái nhỏ ấy đã được xếp loại khá vào cuối năm học thứ nhất. Thế nhưng, đó chỉ là một phần của chặng đường tự lập còn rất, rất dài phía trước.

Trên con đường đến ước mơ bình dị đó, những lúc không phải bươn chải mưu sinh, Mến lại ngồi tỉ mẩn khắc từng chữ, từng chữ vào bảng giấy, bền bỉ như một cô kiến nhỏ đang tha từng chút, từng chút vật liệu để xây đắp cuộc đời mình.

Mai Hương

Tin cùng chuyên mục