Nghịch lý cống thủy lợi nằm… trên bờ

Thông thường, cống thủy lợi phải làm ở đầu các cửa sông, kênh rạch nhằm kiểm soát nước phục vụ sản xuất. Thế nhưng, tại xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau có nghịch lý là cống thủy lợi nằm… trên bờ.
 Cống thủy lợi đầu kênh Hai Quến làm xong đặt ở trên bờ
Cống thủy lợi đầu kênh Hai Quến làm xong đặt ở trên bờ
Ngày 26-8, có mặt tại đầu kênh Hai Quến (ấp 9, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), nơi tiếp giáp với sông Cái Tàu, chúng tôi thấy “khó hiểu” khi cống thủy lợi được làm xong rồi để trên bờ. Do để lâu ngày và đang ở mùa mưa nên rêu bám đầy trên vách cống, cây cối thì mọc xung quanh che khuất một phần cống.
Người dân địa phương cho biết cống thủy lợi này đã nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt” nhiều năm, do khi cống làm xong khi di chuyển xuống kênh thì bị người dân địa phương phản đối. Trong khi đó, các cống làm xong, di chuyển đặt xuống các đầu kênh thì lại trở thành hiểm họa giao thông và chờ ngày “khai tử”. 
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Lê Văn Chiến, Bí thư Chi bộ ấp 9, xã Nguyễn Phích, cho biết, trên địa bàn còn có các cống như Cá Bông lớn, Cá Bông nhỏ và Cây Nhơn, sau khi làm xong, hạ thủy thì bị người dân phản ứng. Nguyên nhân vì các cống xây dựng có khẩu độ nhỏ, độ thông thuyền thấp nên cản trở giao thông, dễ xảy ra tai nạn. Vì vậy, dân địa phương đã bửa đập bên hông cống để đi lại.
Cũng theo ông Chiến, các cống này bắt đầu xây dựng vào giữa năm 2011, kinh phí tiền tỷ. “Thay vì đầu tư các cống gây lãng phí thì dành tiền đó làm đường giao thông sẽ phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới tại đây. Hiện các cống này trở thành cục nợ, muốn di dời hoặc phá dỡ thì phải bỏ tiền ra làm việc này”, ông Chiến bức xúc.
Liên quan các cống thủy lợi trên, ông Ngô Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh, thông tin: “Chúng tôi đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT huyện tiến hành tháo dỡ, đập bỏ cống. Nguyên nhân vì ở tiểu vùng xã Nguyễn Phích các cống xây dựng không khép kín nên không phát huy hiệu quả. Việc tháo dỡ nhằm tạo thuận lợi cho người dân địa phương trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa”.
Thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau của Trung ương và địa phương, tỉnh Cà Mau đầu tư cả ngàn tỷ đồng xây dựng các cống thủy lợi. Tuy nhiên, không ít các tiểu vùng đầu tư dang dở, không khép kín nên không phát huy hiệu quả, thậm chí còn gây ra hệ lụy trong việc lưu thông hàng hóa, giao thông. Vì vậy, khi đầu tư xây dựng các cống thủy lợi cần cân nhắc và cần làm đồng bộ, khép kín mới đánh giá được tính hiệu quả của việc đầu tư.

Tin cùng chuyên mục