Nghịch lý cung ứng vé tàu ngày tết

Đi gần phải mua vé xa

Hơn tháng qua, hàng ngàn người dân trên địa bàn TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… hết vào mạng lại đến ga Sài Gòn và săn lùng khắp các đại lý để mong mua được vé tàu về quê trong dịp tết. Dù chạy ngược chạy xuôi, thế nhưng nhiều khách hàng vẫn không thể tự mình mua được vé, nếu muốn có vé đành phải qua… “cò”.

Đi gần phải mua vé xa

Năm nào cũng vậy, cứ gần đến tết, chuyện mua vé tàu về quê ăn tết của những người lao động tại các tỉnh thành phía Nam, nhất là TPHCM trở thành vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm. Với hình thức bán vé tàu tết qua mạng, người dân đã đỡ vất vả và chủ động hơn trong việc mua vé. Tuy nhiên đến nay, dù đã bán hết vé đi vào những ngày cao điểm tết (22-28 tháng chạp Âm lịch), nhiều người dân vẫn không có được vé tàu để về quê.

Sau hơn 1 tháng bán vé, ngành đường sắt đưa khoảng 100.000 vé tàu phục vụ người dân về quê đón Tết Tân Mão 2011. Trong đó, 80.000 vé sẽ được bán trên mạng, 20.000 vé còn lại dành bán cho các tập thể đăng ký trước tại ga Sài Gòn. Đó là chưa kể vé tăng toa, tăng chuyến, vé ghế phụ… Thế nhưng rất nhiều người vẫn không mua được vé, thậm chí nhiều hành khách mua vé về quê Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng… đành phải chấp nhận mua vé ra Huế hoặc Quảng Bình, Vinh… thậm chí mua tuyến Hà Nội.

Chị Nguyễn Thị Hoa quê ổ Quảng Ngãi bức xúc: “Hai năm qua, dù đăng ký mua vé tập thể rất sớm, nhưng cuối cùng nhà ga thông báo không có vé. Ngay sau đó, tôi nhờ người quen chạy đôn chạy đáo tìm cách vào mạng đặt chỗ của ga Sài Gòn vẫn không đặt được chỗ mua vé. Cuối cùng, tôi đành đến trực tiếp ga Sài Gòn vì nghĩ rằng sẽ mua được một tấm vé, ai ngờ cũng không tài nào mua được”. Gần 1 tháng săn lùng mọi cách để mua vé nhưng vẫn không thể nào mua được đành phải nhờ cò mua giùm. Trong khi đó, chị Nguyễn Phương Linh mua vé về Quảng Ngãi vào ngày 28-1 nhưng vẫn không mua được, chị đành phải mua vé tuyến Vinh với số tiền tăng gần gấp đôi.

Nhiều hành khách bức xúc khi đăng ký mua vé tập thể chỉ mua được vé tàu tăng cường (tàu địa phương) chứ không mua được vé tàu chạy nhanh (SE). Trong khi đó, mua tại các đại lý hoặc “cò” thì các loại vé tàu nhanh đều có! Riêng việc số điện thoại giao vé tận nhà liên tục bị bận khi hành khách gọi đến đặt chỗ. Theo ga Sài Gòn, số điện thoại này chỉ có 10 đường dẫn phục vụ cùng lúc 10 hành khách, trong khi lượng khách gọi đến đăng ký vé rất đông nên hay xảy ra quá tải.

Năng lực có hạn?

Những năm trước đây, hành khách mua vé tàu tết rất khổ sở vì hàng ngàn người thức trắng đêm ngồi xếp hàng tại ga để đợi đến lượt mua vé. Gần đây, ngành đường sắt cải tiến hình thức bán vé qua tin nhắn SMS, với hình thức này tuy không còn cảnh xếp hàng nhưng cũng chưa thuận lợi cho hành khách mua vé. Năm nay, hình thức đặt vé tàu qua mạng cơ bản thuận lợi cho hành khách. Hiện ngoài việc bán vé qua mạng, ngành đường sắt còn triển khai nhiều hình thức bán vé khác như bán vé qua tin nhắn, bán tại nhà ga, bán vé qua các đại lý, qua điện thoại… Người dân có thể chủ động chọn lựa hình thức mua vé phù hợp.

Nhu cầu của người dân cần vé tàu tết về quê quá lớn, còn lượng cung ứng của ngành đường sắt lại hạn chế nên số lượng vé tàu đi vào những ngày cao điểm tết (22-28 tháng chạp Âm lịch) đã được đặt hết trong 1-2 ngày bán vé (15 đến 16-11-2010). Mặc dù ngành đường sắt đã tăng thêm đoàn tàu, nối thêm toa nhưng vẫn không thể đáp ứng  nhu cầu.

Theo giải thích của ông Đinh Văn Sang, Phó Tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn, những ngày cao điểm tết, công ty đã tăng cường hết công suất các đoàn tàu, tổng cộng có gần 20 đoàn tàu chạy phục vụ mỗi ngày cao điểm (cả tàu Thống Nhất và tàu địa phương). Trong khi đó, vào ngày bình thường chỉ chạy khoảng 10 đôi tàu vẫn không khai thác hết công suất (đạt khoảng 70%-80%), do đó khoảng 50% số toa xe, đầu máy còn lại phải cất trong kho cả năm. Như vậy trong ngày thường, số lượng toa xe không sử dụng rất nhiều, ngành đường sắt không thể đóng mới thêm toa xe khách chỉ để sử dụng trong vài ngày tết. Mặt khác, do điều kiện cơ sở hạ tầng của đường sắt trong nhiều năm qua vẫn là đường đơn, chưa được bổ sung và nâng cấp, thêm vào đó năng lực khai thác của khu vực đèo Hải Vân hạn chế, nên dù có tăng thêm tàu hay nối thêm toa cũng khó có thể vận hành được. Đơn cử, công suất của các đầu máy hiện có thể kéo đến 17-18 toa khách, nhưng thực tế chiều dài đường ray tại một số ga, đoạn tránh tàu tương đối ngắn, chỉ có thể đáp ứng được đối với đoàn tàu kéo tối đa 14 toa.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuyên, Trưởng ban Kinh doanh vận tải, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), trong nhiều năm qua, hạ tầng của ngành ĐSVN vẫn giậm chân tại chỗ, với tình hình như trên không thể đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là dịp tết. Trong khi đó, nhu cầu đi lại bằng đường sắt tăng khoảng 20%/năm. Các giải pháp cắt tàu địa phương, nối thêm toa, chuyển đổi ghế nằm thành ghế ngồi, đặt thêm ghế phụ… cũng chỉ là các giải pháp tình thế với số lượng chỗ tăng không đáng kể.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân, không chỉ trông chờ vào mỗi đường sắt, mà cần có sự chia sẻ của đường bộ, đường hàng không mới mong giải quyết được nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp tết. Về lâu dài cần nâng cấp hạ tầng ĐSVN tương ứng với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Quốc Hùng

Tin cùng chuyên mục