Nghịch lý đường - muối. Bài 3: Phát triển bền vững, bao giờ?

Nhiều bất cập tồn tại
Nghịch lý đường - muối. Bài 3: Phát triển bền vững, bao giờ?

Chuyện nhập khẩu muối trong tình cảnh muối nội tồn kho nhiều, rồi trì hoãn việc xuất khẩu đường khi lượng đường trong nước dư thừa… đã chỉ ra sự lúng túng của ngành chức năng trong việc điều hành từ sản xuất tới tiêu thụ 2 mặt hàng thiết yếu này.

Diêm dân làm muối ở Bến Tre rất vất vả nhưng đời sống vẫn khó khăn. Ảnh: Huỳnh Lợi

Diêm dân làm muối ở Bến Tre rất vất vả nhưng đời sống vẫn khó khăn. Ảnh: Huỳnh Lợi

Nhiều bất cập tồn tại

Theo dự báo của Bộ NN-PTNT, sản lượng muối năm 2012 đạt khoảng 1 triệu tấn, trong đó muối công nghiệp 280.000 tấn; cộng với muối tồn kho năm 2011, muối luân chuyển gối đầu và muối nhập khẩu theo cam kết gia nhập WTO thì tổng nguồn cung muối đạt 1,52 triệu tấn, vượt hơn 70.000 tấn so nhu cầu.

Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNT lại đề xuất với Bộ Công thương, trước mắt cấp hạn ngạch nhập 102.000 tấn muối. Nhiều người đặt vấn đề, năm nay sản lượng muối công nghiệp đạt trên 280.000 tấn, tại sao các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực y tế, hóa chất… không mua muối trong nước mà lại “hào hứng” nhập khẩu. Giải thích việc này, một số doanh nghiệp cho biết, do tình trạng sản xuất nhỏ lẻ nên việc thu mua muối khó khăn; trong khi các cơ sở, đại lý… không đủ năng lực cung ứng lượng lớn muối công nghiệp. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những “cái cớ”, bởi ai cũng biết việc nhập muối trong hạn ngạch, ngoài việc giá rẻ hơn muối nội, doanh nghiệp còn được hưởng mức thuế quan 15% đối với muối công nghiệp và 10% đối với muối tinh khiết. Do đó nhiều doanh nghiệp xin nhập muối để bán lại cho các nhà sản xuất hóa chất kiếm khoản “chênh lệch”.

Hạn chế tình trạng này, nhiều ý kiến đề nghị ngành công thương tăng cường kiểm tra những doanh nghiệp nhập muối, xem xét nhu cầu thực sự và không cấp phép tràn lan. Song song đó, Bộ NN-PTNT nên tính toán quy hoạch và đầu tư phát triển vùng chuyên canh muối công nghiệp nhằm giải quyết tình trạng thừa muối ăn - thiếu muối công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu, Bến Tre… than phiền khi thời gian qua họ tự vay vốn đầu tư sản xuất muối trắng, nhưng bán chẳng ai mua. Thậm chí giá muối trắng chỉ cao hơn muối đen từ 200 - 300 đồng/kg, tính ra không hiệu quả.

Đối với ngành mía đường đang vào giai đoạn sản xuất cao điểm, nhưng giá đường trên thị trường tiếp tục duy trì ở mức thấp, khoảng 16.000 đồng/kg trở lại; trong khi các chi phí đầu vào cao nên nhà máy không có lãi, thậm chí lỗ. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nếu xem đường là một trong những mặt hàng thiết yếu thì Nhà nước nên có Quỹ dự trữ quốc gia về đường. Ở nhiều nước trên thế giới đều có quỹ này. Bên cạnh đó, cần nhận thức rằng mía do nông dân trực tiếp làm ra, còn nhà máy chỉ chế biến thành đường; nếu không có mía nhà máy cũng… đóng máy. Tuy nhiên, lợi nhuận của nông dân và nhà máy trên 1kg đường chỉ có 1.000 đồng (thời gian mất 1 năm); trong khi nhà thương mại hưởng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg đường, đây là nghịch lý. “Tại sao chúng ta cứ ngăn xuất khẩu đường trong điều kiện cung vượt cầu, nhưng không có biện pháp hữu hiệu để triệt đường nhập lậu tràn qua biên giới Tây Nam ngày một tăng” - Tổng giám đốc một công ty CP mía đường ở ĐBSCL bức xúc.

Chờ chính sách... “cởi trói”

Các nhà chuyên môn cho rằng, để ngành đường và muối phát triển ổn định thì việc tìm ra mô hình quản lý phù hợp nhằm giải quyết hài hòa lợi ích giữa 3 bên: nông dân - người tiêu dùng - doanh nghiệp là vấn đề bức bách đặt ra.

Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cái thiếu lớn nhất của ngành đường hiện nay là chưa có luật hoặc nghị định về sản xuất và tiêu thụ mía đường, từ đó dẫn đến việc điều hành rất lúng túng. Để tránh tình trạng cung cầu mất cân đối như lâu nay và tăng sức cạnh tranh với các nước trong khu vực, ngành đường đang chờ nhà nước ban hành nghị định. Song song đó, có cơ chế đầu tư mạnh hơn cho nông dân trồng mía về giống, vốn, kỹ thuật, cơ giới hóa…

Vấn đề này ở Thái Lan làm rất tốt. Thái Lan có chính sách đầu tư hạ tầng, có luật về mía đường, khuyến khích phát triển đồng mía kiểu trang trại - quy mô lớn. Bình quân nông dân Thái Lan sản xuất khoảng 100ha mía/hộ, nên thuận lợi trong việc ứng dụng cơ giới hóa, giảm mạnh về giá thành. Trong khi ở nước ta, sản xuất mía thuộc dạng nhỏ lẻ chỉ 0,5 - 1ha/hộ, khiến chi phí tăng cao.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Mía đường Bến Tre, cho rằng: “Cái được lớn nhất thời gian qua là năng suất mía tăng lên mức bình quân 75 - 80 tấn/ha, gần bằng với Thái Lan; tuy nhiên chữ đường trong mía chỉ đạt 9 - 10 chữ, thấp hơn Thái Lan đạt 11 - 12 chữ. Để ngành mía đường đi lên, nhất thiết phải mạnh dạn đổi mới. Các địa phương sớm quy hoạch lại diện tích hợp lý trên cơ sở khuyến khích sản xuất lớn. Doanh nghiệp xóa bỏ cách làm cũ theo kiểu “mua đứt - bán đoạn” mà có trách nhiệm cùng ngành nông nghiệp đầu tư xây dựng và bao tiêu vùng nguyên liệu. Tính toán mức giá sàn hợp lý đảm bảo cho nông dân lợi nhuận từ 40% trở lên để họ an tâm trồng mía”.

Đối với nghề muối, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết, tới đây sẽ quy hoạch lại vùng muối một cách hợp lý. Dự kiến, khu vực miền Trung sẽ đầu tư sâu vào sản xuất muối công nghiệp, miền Bắc và các tỉnh thành phía Nam đẩy mạnh sản xuất muối ăn. Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần chỉ đạo Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối soạn thảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn về muối công nghiệp; đồng thời yêu cầu doanh nghiệp phải liên kết với diêm dân hỗ trợ đầu vào và tính toán bao tiêu đầu ra để diêm dân an tâm sản xuất.

Tại Bạc Liêu, diện tích muối hiện nay khoảng 3.000ha, nhưng sau vụ mùa thất bát này, khả năng đồng muối sẽ giảm mạnh. Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu cho biết: “Tỉnh chỉ mong giữ đồng muối khoảng 2.800ha là đạt yêu cầu. Mục tiêu tới đây làm thế nào để diêm dân thật sự sống được từ muối và có thể khá lên từ nghề này. Đây mới là cái khó”.

Theo ông Lân, từ nay đến năm 2015, nhà nước đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, thủy lợi, khoa học kỹ thuật… để chuyển từ 40%-50% diện tích từ sản xuất muối đen sang muối trắng với năng suất và chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp chế biến. Cái khó là kinh phí đầu tư trải bạt để làm muối trắng khá cao (từ 50 triệu đồng/ha trở lên), đầu ra chưa được doanh nghiệp bao tiêu nên diêm dân không dám làm. Nông dân Trịnh Văn Thanh, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) cho rằng, thay vì kêu la thiếu muối công nghiệp nên phải nhập khẩu, tại sao các doanh nghiệp chế biến muối không đầu tư vùng muối chất lượng cao. Nếu các doanh nghiệp chịu đầu tư trải bạt, sau đó diêm dân “trả lại” bằng muối, thì việc chuyển mô hình sản xuất từ muối đen sang muối trắng sẽ lôi kéo nhiều diêm dân làm theo. Và tình trạng “tới mùa - rớt giá - khó tiêu thụ” cũng được giải quyết. Một khi diêm dân ổn định cuộc sống, chắc chắn sẽ gắn bó lâu dài với nghề muối truyền thống…

Ngành đường rơi vào tình trạng thiếu ổn định kéo dài, một phần do cơ chế, chính sách chưa phù hợp, cộng với sự “liên kết” giữa nhà máy và nông dân còn rất ít. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nhìn nhận: “Nhiều năm nay ngành đường “không chịu lớn”. Nếu như chương trình sản xuất 1 triệu tấn đường triển khai từ năm 1994, đến năm 2000 đã đạt kế hoạch. Tuy nhiên, 10 năm sau (năm 2010) vẫn giẫm chân tại chỗ với sản lượng chỉ hơn 1 triệu tấn đường. Mãi đến năm 2012 mới nâng lên được 1,4 triệu tấn. Vấn đề mấu chốt là chưa có cơ chế thoáng để động viên doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào ngành mía đường. Để đạt mục tiêu 2 triệu tấn đường vào năm 2020, ngành đường đang cần chính sách phù hợp với tình hình mới, cộng với sự quan tâm nhiều hơn về vốn, quy hoạch vùng nguyên liệu… nhằm tăng sức cạnh tranh với các nước”.

Huỳnh Lợi - Cao Phong

Nghịch lý đường - muối

- Bài 1: Muối đắng

- Bài 2: Ngành đường: Loay hoay xử lý tình huống

Tin cùng chuyên mục