Người nông dân không khỏi đau lòng khi nhìn những nông sản mình làm ra, nâng niu từng chút, chăm bón mỗi ngày, nhưng khi tới mùa thu hoạch lại đem bỏ cho bò ăn, đổ trôi sông hoặc vứt thành rác. Tình trạng này vẫn thỉnh thoảng diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước.
Người dân Đà Lạt đã từng phải cắn răng chịu thiệt hại mang nông sản như cà chua, cà rốt, xà lách cho bò ăn. Còn nông dân miền Tây Nam bộ thì lại thả cho bắp cải trôi sông mà lòng đau như cắt. Nhưng không bỏ đi sao được khi mà giá thu mua quá bèo bọt. Nếu giữ lại, họ còn vướng thêm phí đổ rác vì không thể neo giữ quá lâu. Gần đây, nông dân lại tiếp tục méo mặt. Người trồng chanh ở huyện Châu Thành, Cao Lãnh (Đồng Tháp) khốn khổ khi giá chanh loại tốt chỉ 2.000 đồng/kg. Còn dân trồng khoai lang tím ở huyện Bình Tân (Vĩnh Long) tiếc hùi hụi khi phải bán sản phẩm do mình làm ra chỉ 1.000 đồng/kg. Ai cũng điêu đứng vì thu hoạch từ nông vụ không đủ để trả nợ tiền ngân hàng.
Có một nghịch lý đã tồn tại nhiều năm qua là giá nông sản từ nhà vườn đến tay người tiêu dùng chênh lệch nhau quá xa. Cho thấy, uẩn khúc của sự việc nằm ở vấn đề thu mua. Ở nước ta, việc thu mua nông sản không có kiểu “tập trung” như ở Thái Lan. Chính phủ Thái Lan đã triển khai hàng loạt chương trình thu mua trợ giá nông sản từ tháng 10-2011. Mục tiêu của các chương trình thu mua này nhằm nâng đỡ mặt bằng giá nông sản trên thị trường nội địa, theo đó đời sống đông đảo người nông dân được cải thiện nhờ bán sản phẩm với giá cao hơn. Vì vậy mà nông dân nước họ an tâm không sợ “lật kèo”. Ở ta, chuyện thu mua nông sản khá manh mún. Doanh nghiệp thu mua nhưng chỉ chọn loại tốt nhất và bỏ loại xấu. Thương lái thì “bao tiêu” nhưng hạ giá. Nếu nhà nông đem nông sản bán lẻ thì không giữ tươi lâu được. Đó là chưa nói, dạo gần đây, do thấy cái lợi trước mắt mà người dân vô tình bị bọn phá hoại kinh tế hứa hẹn hão. Sau nhiều lần mua với giá cao ngất ngưởng, bọn chúng biến mất khiến nhà nông thiệt hại nghiêm trọng.
Vì vậy, để tình trạng này không còn tồn tại thì nhà nông cần theo sát tình hình nông nghiệp trong cả nước để có giải pháp ứng phó (luân canh hoặc xen canh), thay vì phó mặc. Phía chính quyền địa phương nên có những giải pháp hữu hiệu để giúp nhà nông trụ vững giá nông sản, cải thiện kinh tế. Đó cũng là cách làm giàu cho tỉnh nhà.
ĐẶNG TRUNG THÀNH