Những ngày này, trên các diễn đàn, mạng xã hội, hàng loạt tổ chức, nhóm hoạt động vì môi trường cũng như nhiều cá nhân liên tục đăng tải thông tin, lời kêu gọi cộng đồng hướng đến sự kiện Giờ Trái đất vào ngày 31-3 tới.
Sự kiện do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên kết hợp cùng tờ Sydney Morning Herald khởi xướng năm 2007. Năm nay, Giờ Trái đất tiếp tục hợp tác cùng những tên tuổi quen thuộc với cộng đồng mạng như mạng xã hội Facebook, Twitter, Google+, YouTube hoặc bằng phương pháp chia sẻ mail số lượng lớn để khuyến khích mọi người cam kết chung tay hành động vì môi trường trên chính các trang mạng xã hội cá nhân của mình.
Thế nhưng, có một nghịch lý mà không phải ai cũng nhận ra: Càng sử dụng những cách thức truyền thông qua mạng xã hội, thư điện tử - cách thức hữu hiệu và tạo tương tác tốt nhất để kêu gọi mọi người hành động cải thiện môi trường, chống biến đổi khí hậu - chúng ta càng thải ra nhiều lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Cùng với thời điểm chiến dịch Giờ Trái đất lần đầu tiên xuất hiện, công ty chuyên nghiên cứu và tư vấn về công nghệ thông tin Gartner của Mỹ đã công bố báo cáo chỉ ra, ngành công nghệ thông tin thải ra đến 2% lượng khí CO2 trên toàn cầu, tương đương với lượng khí thải của ngành hàng không. Trong đó, hết 25% của 2% trên đến từ các trung tâm xử lý dữ liệu, trong khi các thiết bị như máy tính, màn hình chiếm 40%. Không chỉ có Gartner, rất nhiều tổ chức khoa học đã thực hiện nghiên cứu về mối quan hệ giữa việc lướt web và lượng khí thải tỏa ra môi trường.
Đại học Harvard của Mỹ năm 2009 đã tìm hiểu được, mỗi cái nhấp chuột vào ô tìm kiếm trên trang Google tạo ra 7gr CO2 và hai lần như thế thải ra lượng CO2 tương đương lượng CO2 môi trường hấp thu sau quá trình đun sôi một ấm nước. Nghiên cứu còn cho thấy, mỗi giây lướt web thải ra 20mg CO2. Vì vậy, khi nỗ lực kêu gọi hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất càng lan rộng, số người tương tác trên các trang mạng xã hội càng cao thì hiển nhiên, lượng khí CO2 thải ra môi trường càng nhiều. Thư điện tử gửi đi với danh sách người nhận càng dài thì sẽ tống ra môi trường nhiều CO2 hơn, cũng như một câu chia sẻ trên Twitter hay Facebook, bấm nút “thích” trên trang này cũng thải CO2 cũng có hệ quả tương tự.
Facebook hiện có 800 triệu người dùng. Trang này đang chịu sức ép của tổ chức Greenpeace kêu gọi Facebook ngưng sử dụng than đá để cung cấp điện cho những trung tâm dữ liệu của trang mạng xã hội này. Hạn chót được đặt ra vào ngày diễn ra sự kiện Giờ Trái đất - 22-4-2011 nhưng đến nay, Facebook vẫn chưa tích cực thay đổi. Trưởng nhóm hạ tầng mạng của trang Twitter cho biết, mỗi dòng chia sẻ 140 ký tự thải ra không khí 20mg CO2 . Nghĩa là, trung bình mỗi ngày, cứ 50 triệu lượt chia sẻ (con số trung bình hiện nay) sẽ thải ra khoảng 1 tấn CO2.
Chúng ta không thể nói không với Internet cũng như mạng xã hội – nơi chia sẻ thông tin hữu ích nhưng nếu hiểu thiết bị công nghệ thông tin cũng là một trong những nguồn phát thải, người dùng sẽ chọn cho mình cách ứng xử phù hợp hơn. Như vậy, Giờ Trái đất không dừng lại ở việc tắt thiết bị điện trong một giờ đồng hồ mỗi năm mà còn có thể thay đổi thói quen lướt web không có mục đích, lãng phí thời gian cũng như gây ô nhiễm môi trường.
Như Quỳnh