Nghịch lý ngành da giày: Tăng sản lượng, giảm lợi nhuận

Trong ngành da đang xảy ra nghịch lý kéo dài lâu nay là dù kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng giá trị gia tăng lại thấp. Đây được xem là bài toán khó cho doanh nghiệp sản xuất lẫn các nhà quản lý, do đó cần sớm tìm ra giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Sản xuất giày tại Công ty cổ phần Giày An Lạc
Sản xuất giày tại Công ty cổ phần Giày An Lạc
FDI chiếm hơn 80%

Theo đánh giá của Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam (Lefaso), từ năm 2013 đến nay, các doanh nghiệp FDI ngành da giày có sự tăng dần về số lượng. Hiện ngành này có khoảng 700 doanh nghiệp với 1,5 triệu lao động; trong đó, 200 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đáng chú ý, nhóm doanh nghiệp FDI chiếm thị phần đến 81,3%, đóng góp 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và làm chủ hầu hết các thương hiệu lớn và đẩy thị phần các doanh nghiệp Việt Nam chỉ còn 18,7%. Tuy nhiên, dù là ngành có mức tăng trưởng nhanh về số lượng nhưng hàm lượng giá trị gia tăng thu về không đáng kể do doanh nghiệp trong nước chủ yếu gia công và phụ thuộc phần lớn nguyên phụ liệu nhập khẩu. Tỷ lệ nội địa hóa của ngành đến nay chỉ đạt khoảng 50%; trong đó, khối doanh nghiệp FDI vẫn chiếm ưu thế lớn về số lượng, còn mức đóng góp của doanh nghiệp trong nước rất khiêm tốn. 

Theo các doanh nghiệp sản xuất, khó khăn ngành da giày đang gặp phải do năng suất lao động không tăng, chậm ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất do thiếu vốn. Mặt khác, giá gia công không tăng và năng suất lao động chưa cao đang là gánh nặng của các doanh nghiệp chủ yếu gia công. Đặc biệt, đối với sản xuất giày vải nữ, mức độ thủ công lên đến 80% (không thể tự động hóa được) nên xu hướng tăng lương cho người lao động đang tạo thêm nỗi lo của rất nhiều doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp FDI ngày càng tăng về số lượng, có điều kiện về vốn và công nghệ, có thể đẩy năng suất cùng mức lương lên cao khiến doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh. Ông Lê Kỳ Anh, chuyên viên kinh tế và thương mại, phái đoàn EU tại Việt Nam, cho biết một đôi giày bán tại thị trường EU có giá 100EUR, Việt Nam chỉ thu được 2EUR, trong đó gồm tất cả chi phí sản xuất, tiền lương... Đại diện Lefaso cũng phân tích, trong cơ cấu giá trị của một đôi giày, 70% là chi phí nguyên phụ liệu, 15% chi phí nhân công, 9% chi phí đầu vào và chi phí quản lý gián tiếp khác, chỉ có 6% là lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong khi đó, chi phí nhân công, sản xuất ngày một cao khiến lợi nhuận của doanh nghiệp khó tăng, thậm chí ngày một giảm. Rào cản nữa là ngành cơ khí chế tạo, máy móc thiết bị phục vụ cho ngành da giày chưa phát triển khiến doanh nghiệp bị động, phải nhập máy móc từ Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan - các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam ở lĩnh vực xuất khẩu cùng mặt hàng.

Thay đổi tầm nhìn và xu hướng đầu tư 


Trước thực trạng trên, việc cải thiện giá trị gia tăng cho ngành da giày đang đặt ra cấp thiết và cần sớm được thực hiện. Bởi theo dự báo, dư địa phát triển của ngành này chỉ còn dồi dào trong khoảng 10 năm tới. Sau đó, các nhà đầu tư sẽ chuyển dịch sản xuất sang các quốc gia có trình độ phát triển kém hơn Việt Nam nhằm tận dụng nguồn nhân công giá rẻ. Song song đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến rất gần, buộc doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý cần phải thay đổi về tầm nhìn, phương thức quản lý và quá trình đầu tư. Theo chuyên gia kinh tế - TS Trần Minh Ngọc (Đại học Công nghiệp TPHCM), xu hướng sản xuất trên thế giới đang thay đổi, nhiều chất liệu mới và công nghệ tự động hóa được đưa vào sử dụng. Do đó, doanh nghiệp Việt cần bắt kịp xu hướng để nâng cao năng suất lao động, sản xuất đa dạng mặt hàng; áp dụng các phương pháp quản lý sản xuất mới nhằm tiết kiệm tối đa chi phí; phát triển nguyên phụ liệu trong nước, đặc biệt tạo mối liên kết giữa nhà sản xuất và nhà cung ứng để tìm ra nguyên liệu phù hợp. Việc đầu tư này đòi hỏi nhiều vốn nhưng cần thiết vì giúp thay thế được một phần lao động. Đơn cử như một chiếc máy cắt có thể thay thế cho 4 lao động, nâng cao chất lượng và kiểm soát tốt độ đồng đều của sản phẩm. Bên cạnh đó, việc tập trung nghiên cứu phát triển cần được chú trọng bởi đây chính là khâu tạo giá trị gia tăng lớn cho sản phẩm, nâng cao trong cả chuỗi giá trị toàn ngành.

Bên cạnh đầu tư chiều sâu và thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt cũng cần quan tâm hơn đến thị trường nội địa vốn lâu nay bị bỏ ngỏ. Hiện nay, mỗi năm thị trường trong nước tiêu thụ trên 180 triệu đôi giày dép nhưng hầu hết các sản phẩm này có nguồn gốc từ nước ngoài, còn hàng sản xuất nội địa chỉ chiếm lượng rất nhỏ. Nguyên nhân do các doanh nghiệp trong ngành thường ưu ái hơn cho xuất khẩu vì mang lại nhiều lợi nhuận và nhận được nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ.
Theo TS Trần Minh Ngọc, Việc phát triển thị trường nội địa về bản chất không khác biệt nhiều so với xuất khẩu. Khâu nghiên cứu thị trường và marketing sản phẩm luôn là yếu tố cốt lõi. Đặc biệt, thị trường nội địa với quy mô nhỏ, đơn hàng nhỏ, xu hướng tiêu dùng thay đổi rất nhanh, đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược phát triển phù hợp. Trong đó, bên cạnh chú trọng đến chất lượng, giá thành cũng cần tạo nên sự khác biệt và hấp dẫn người tiêu dùng. Phải thực hiện tốt và lâu dài các chính sách chăm sóc khách hàng; bảo đảm hình ảnh, thương hiệu và quản lý chuỗi sản xuất phân phối một cách nhịp nhàng. Để doanh nghiệp ngành da giày có thể vững chân tại thị trường nội địa, Nhà nước cần có những chính sách thích hợp để minh bạch hóa thị trường; trong đó, năng lực của đơn vị chức năng kiểm soát thị trường phải được nâng cao nhằm ngăn chặn hàng gian hàng giả, bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Tin cùng chuyên mục