Nghịch lý

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT, các trường đều tăng tốc tổ chức ôn thi tốt nghiệp. Song, nhìn vào thời khóa biểu học thi của một học sinh hệ chính quy và một học viên giáo dục thường xuyên (GDTX) mới thấy hết những điều khác biệt.

Nếu như lịch học “trọn gói” ở hệ GDTX chỉ gói gọn trong 6 môn toán, ngữ văn, vật lý, hóa học, lịch sử, địa lý (đối với hệ GDTX, môn ngoại ngữ được thay bằng vật lý) thì ở các trường THPT chính quy, học sinh ngoài 6 môn thi tốt nghiệp còn “tủ” thêm một trong hai môn vật lý hoặc sinh học. Thanh Thảo, học sinh lớp 12, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) chia sẻ, sau kỳ thi tốt nghiệp em sẽ thi vào khối A Trường ĐH Kinh tế nên không thể lơ là môn vật lý.

Hiện nay, đối với các môn thi tốt nghiệp mang tính chất học thuộc lòng nhiều hơn, đòi hỏi kỹ năng suy luận như văn, sử, địa, em chỉ lập dàn ý đại cương tóm tắt ý chính, đọc lướt qua 2-3 lần để nắm ý, trả bài thầy cô trên lớp, đợi đến gần ngày thi tốt nghiệp mới “gạo” kỹ lại từng phần nhỏ, phần lớn thời gian còn lại ưu tiên cho việc tăng tốc các môn toán, lý, hóa chuẩn bị thi đại học. Bởi theo bày tỏ của các em, thi tốt nghiệp không phải là mục tiêu quan trọng.

Hiện nay, các trung tâm luyện thi vẫn ăn nên làm ra nhờ những môn không có trong kỳ thi tốt nghiệp. Trái lại, đối với hệ GDTX, học sinh lại chọn hình thức lấy cần cù bù thông minh là chính, không cần “chạy show” nhiều ở các trung tâm luyện thi, chủ yếu dành thời gian đến trường cho thầy cô giáo trả bài các môn học thuộc lòng xem như đã kiếm được 50% điểm số cho kỳ thi tốt nghiệp.

Giám đốc một trung tâm GTDX trên địa bàn TPHCM cho biết, số lượng thống kê qua nhiều năm cho thấy chỉ có 30%-40% học sinh hệ GDTX quan tâm đến kỳ thi đại học, số còn lại chủ yếu dồn sức cho kỳ thi tốt nghiệp. Bởi lẽ đối với nhóm đối tượng này, chỉ cần đậu tốt nghiệp đã là một thành công lớn, lấy đó làm bệ phóng nộp hồ sơ vào các trường cao đẳng, trung cấp.

Chính hình thức tổ chức bốc thăm môn thi ngẫu nhiên qua từng năm cho thấy mục tiêu của nó chỉ còn mang ý nghĩa đánh giá đơn thuần kết quả dạy và học đại trà ở bậc phổ thông - việc làm đáng lý ra của các nhà quản lý và khoa học, hoàn toàn không có ý nghĩa gì cho việc phân loại, định hướng học sinh sau ba năm trung học.

Việc làm này vô hình trung đã dẫn đến nghịch lý kết quả tốt nghiệp - trong đó bao gồm từ 2-3 môn xã hội năm nào cũng cao chót vót, song lỗ hổng kiến thức lịch sử xã hội của một bộ phận không nhỏ sinh viên hiện nay luôn là đề tài “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nên chăng đã đến lúc lật lại vấn đề giữ hay không việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp?

Thanh Thu

Tin cùng chuyên mục